Clip - Ngôi đình cổ Quan Lạn kêu cứu.
Dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi Đình Quan Lạn, ông Phạm Quốc Duyệt, nguyên Trưởng ban Văn hóa xã Quan Lạn, người nghiên cứu lịch sử đảo Quan Lạn không khỏi bùi ngùi kể, đây là một trong hai ngôi đình cổ nhất ở Quảng Ninh. Đây cũng là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ tượng Vua Lê Anh Tông - người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149 và vị tướng tài ba Trần Khánh Dư trấn ải Vân Đồn. Ngoài ra, Đình còn thờ Dương Không Lộ và “Tứ vị thánh nương” là những vị thần được cư dân trên đảo truyền tụng thường chở che cho những người làm nghề biển. Hiện tại đình còn giữ 18 đạo sắc phong của các thời vua Nguyễn như Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Bảo Đại, ghi rõ công đức của các bậc tiên liệt.
Những đầu cột đã bị mục nát.
Ngôi đình xây dựng lần đầu tiên vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) trên bến Cái Làng, vốn là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn. Sau đó đình được di chuyển về thôn Nam. Ngôi đình hiện tại được xây dựng vào năm 1890-1900.
“Nhân dân Quan Lạn đặt lòng tin vào ngôi đình này như là một tín điều. Đình Quan Lạn không chỉ là trung tâm văn hóa làng xã mà còn là cột mốc văn hóa trường tồn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo muôn đời của dân tộc Việt Nam. Hiện nay đình đã xuống cấp rất trầm trọng. Nếu không được nhà nước quan tâm thì ngôi đình đặc biệt này sẽ không còn tồn tại trên mảnh đất Quan Lạn này nữa”, ông Duyệt nói.
Mái đình Quan Lạn đã xuống cấp đột nát từ lâu.
Còn theo ông Đỗ Minh Hoàn- Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, trưởng ban quản lý di tích đình Quan Lạn, theo thời gian thì hiện đình Quan Lạn đã xuống cấp rất trầm trọng. Hiện tại hệ thống mái, cột kèo đã xuống cấp mục nát. Mái đình đã bị dột từ lâu. “Cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn đã được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990. Đến năm 1995, đình Quan Lạn mới được đầu tư khoảng 150 triệu để trùng tu thay 4 cây cột chính. Đến năm 2002 được đầu tư 2.2 tỷ để chống dột. Về phía địa phương đã trùng tu, tu sửa những phần nhỏ nhiều lần rồi. Tuy nhiên để đầu tư lớn thì phải có sự quan tâm của các cấp các ngành. Đây là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quan Lạn”, ông Hoàn nói.
Các cột trụ bằng gỗ đã bị mối đục rỗng ruột.
Ông Đỗ Minh Hoàn cũng cho biết, địa phương cũng đã đề xuất rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Cụ thể, cuối năm 2017, UBND huyện Vân Đồn đã có tờ trình về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tôn tạo, bổ sung cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quan Lạn (hạng mục đình, chùa, nghè, miếu). Sau đó đến tháng 10.2017, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thỏa thuận chủ trương đầu tư dự án tôn tạo, bổ sung cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quan Lạn. Tổng mức đầu tư của dự án trên 29,5 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, nguồn vốn huy động xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đình Quan Lạn không chỉ là trung tâm văn hóa làng xã mà còn là cột mốc văn hóa trường tồn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo muôn đời của dân tộc Việt Nam. Hiện nay đình đã xuống cấp rất trầm trọng.
Tuy nhiên, theo văn bản trả lời của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Ninh vào ngày 25.12.2017, trong Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020, dự án trên không có tên trong danh mục các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2018-2020 sử dụng nguồn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh. Vì vậy, dự án không có cơ sở để thẩm định chủ trương đầu tư. Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị UBND huyện Vân Đồn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện các biện pháp bảo quản, giữ gìn hạn chế tối đa sự xuống cấp của đình. Khi nào có chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh về dự án trên, Sở kế hoạch đầu tư mới xem xét thẩm định báo cáo UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Hầu hết các hạng mục đã xuống cấp không thể tái sử dụng được.
Trước những khó khăn như vậy, đình Quan Lạn, nơi nuôi dưỡng các giá trị tinh thần cho mọi thế hệ như tinh thần thượng võ chống giặc ngoại xâm bảo vệ biển đảo thân yêu, tinh thần lao động cần cù đánh bắt thủy sản làm giàu cho quê hương đất nước... đang có nguy cơ bị hư hỏng trầm trọng hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.