Hai trong số rất nhiều công trình khiến tỉnh Quảng Trị lo lắng nhất là tràn xả lũ Nam Thạch Hãn (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) và hồ chứa nước Triệu Thượng 2 (huyện Triệu Phong, Quảng Trị).
Hồ chứa nước Triệu Thượng 2 bị hư hỏng nghiêm trọng, đến nay mới gia cố tạm thời bằng cọc tre, không đảm bảo an toàn. Ảnh: Ngọc Vũ
Bà Nguyễn Thị Bình (trú xã Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị) lo lắng nói: “Tôi nghe tin hồ chứa nước Triệu Thượng 2 hư hỏng nghiêm trọng vào mùa lũ năm 2016, báo chí đã đưa tin nhiều, cơ quan chức năng còn tính đến chuyện ban bố tình trạng khẩn cấp. Vậy mà đến nay công trình này vẫn chưa được sửa chữa đồng bộ khiến người dân rất lo lắng. Mùa lũ sắp đến rồi, nếu trường hợp vỡ đập thì dân chúng tôi chạy sao cho kịp”.
Ông Hồ Xuân Hòe – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, công trình tràn xả lũ Nam Thạch Hãn được đầu tư xây dựng từ năm 1978, chứa 10 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu gần 15.000ha lúa (chiếm hơn 50% diện tích lúa của toàn tỉnh Quảng Trị) và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong. Sau 40 năm sử dụng, công trình đã hư hỏng nhiều lần vì sự tàn phá của thời tiết.
Trong 2 mùa lũ năm 2016 và 2017, nước lũ phá vỡ kết cấu bê tông cuối sân tiêu năng tràn xả lũ với diện tích 975m2, nhiều vị trí khác phần bê tông mặt đã bị phồng rộp và lún sập, kèm theo phần cát sỏi khoan phụt xử lý nền đá bị cuốn trôi, tạo thành nhiều hang rỗng, hàm ếch phía dưới nền bê tông.
Còn hồ chứa nước Triệu Thượng 2 được xây dựng từ năm 1989, sức chứa tối đa 4,3 triệu m3. Năm 2013 đập nước này được nâng cấp từ nguồn vốn dự án quản lý thiên tai (WB5).
Mùa mưa lũ từ tháng 10-12.2016, công trình này xảy ra sự cố trượt mái hạ lưu đập chính, phạm vị vùng trượt dài khoảng 75m cách đỉnh đập 1,8m.
Sau khi phát hiện, công trình được khắc phục tạm thời bằng cách đóng cọc tre quanh vùng trượt để hạn chế vết trượt mở rộng. Được biết, hạ du đập Triệu Thượng 2 là 3.000 người dân và 730ha đất canh tác cùng nhiều công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật.
Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị, cho biết phía đơn vị tư vấn đề xuất giải pháp tổng thể sửa chữa hai công trình trên với tổng mức đầu tư dự kiến là 84,432 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì ngân sách khó khăn nên ngày 21.5, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ phê duyệt tổng mức đầu tư 14,48 tỷ đồng. Mức kinh phí này rất khó để thực hiện sửa chữa, trong khi mùa mưa bão đang đến gần.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết trước mắt tỉnh giao Sở NNPTNT Quảng Trị sửa chữa, gia cố tạm thời; đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có phương án sửa chữa tối ưu nhất trong đồng vốn hạn hẹp nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt trong mùa mưa bão.
“Nếu không sửa chữa kịp thời 2 công trình này thì nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hạ du là vô cùng lớn” – ông Đồng nói.
Ông Nguyễn Chiến – Nguyên trưởng khoa công trình, Trường ĐH Thủy lợi, cho rằng việc sửa chữa hai công trình trên là hết sức khẩn cấp, các bộ ngành, Chính phủ cần hỗ trợ Quảng Trị về mặt kinh phí.
“Trong trường hợp xấu nhất là vỡ đập thì sẽ gây hậu quả khủng khiếp cho vùng hạ du” - ông Chiến lo ngại.
Ông Đồng Văn Tự - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy lợi cho biết, đối với hai công trình trên, để đảm bảo an toàn cần phải tập trung xử lý tổng thể chứ không phân kỳ sửa chữa từng giai đoạn được.
“Quảng Trị là tỉnh còn nhiều khó khăn, với số vốn sửa chữa lớn không thể tự cân đối ngân sách nên cần sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ ngành” – ông Tự nói.
Được biết, tỉnh Quảng Trị hiện có 129 trong tổng số 131 hồ chứa nước chưa được kiểm định an toàn đập, chưa được lập phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du; 122 hồ chưa lập quy trình vận hành do không có nguồn kinh phí thực hiện. Đến giữa tháng 6.2018 Quảng Trị chỉ có 15 hồ chứa có phương án bảo vệ đập được phê duyệt, còn lại 116 hồ chưa xây dựng phương án bảo vệ đập.
Đứng trước thực trạng đó, Sở NNPTNT Quảng Trị đã đề xuất với UBND tỉnh này kiến nghị với Bộ NNPTNT sửa chữa và nâng cấp các hồ chứa với tổng số vốn trên 823 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.