Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đối thoại với nông dân, nhiều ý kiến tâm huyết
Nhiều ý kiến tâm huyết của nông dân Ninh Bình tại cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc
Vũ Thượng
Thứ năm, ngày 28/11/2024 18:50 PM (GMT+7)
Ngày 28/11, tại Hội trường UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị “Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đối thoại với nông dân” năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc và 140 đại biểu đại diện cho hơn 133 nghìn hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Quang Ngọc- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; ông Hoàng Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng chủ trì Hội nghị "Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đối thoại với nông dân" năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Bình trong 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,4%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,4%. Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục diễn ra sôi nổi, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Chủ tịch UBND Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của người dân. Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển khá toàn diện, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, cách làm mới có hiệu quả rõ nét.
Tính đến hết tháng 10/2024, tỉnh Ninh Bình có 53/119 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 18 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, 599/1.355 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu…Diện mạo nông thôn mới ngày càng đổi mới, khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở hầu khắp các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện.
Để hội nghị đối thoại thu được những kết quả thiết thực, ông Phạm Quang Ngọc-Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị các đại biểu cán bộ, hội viên, nông dân, đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác…dự hội nghị phát huy tinh thần dân chủ.
Đồng thời, trao đổi một cách xây dựng, cởi mở, thẳng thắn những khó khăn, vướng mắc, những phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện. Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nông dân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước đối với nông dân, về hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội.
4 nhóm vấn đề "nóng" nông dân quan tâm
Cụ thể, tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đối thoại với nông dân năm 2024, có 4 vấn đề "nóng" được nông dân quan tâm như: Chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, dịch vụ, du lịch. Liên kết, hình thành và phát triển chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã; Chính sách về quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; Chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện và an sinh xã hội; Các vấn đề khác.
Bà Trần Thị Mai Hương, Hội Nông dân phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình hỏi, trong thời gian vừa qua, chương trình phát triển các sản phẩm OCOP đã được tỉnh Ninh Bình rất quan tâm, chú trọng, triển khai. Mục tiêu đặt ra là mỗi xã, phường phải có 1 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận, nhất là các sản phẩm 4 sao và 5 sao.
Bà hương đề nghị các ông, bà cho biết giải pháp trong thời gian tới để tỉnh Ninh Bình có nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao. Đặc biệt là sản phẩm từ các mô hình phát triển kinh tế của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Bình, Hội Nông dân xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh) nói: “Thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh các thuận lợi thì vẫn còn những khó khăn vướng mắc như xã Khánh Tiên một số diện tích trồng lúa thuộc vùng trũng kém hiệu quả, các diện tích xen kẹt, nhỏ lẻ được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.
Nhưng khi thực hiện Nghị quyết số 32 về hỗ trợ các mô hình thì không thực hiện được, vì lý do tất cả các mô hình nuôi trồng phải được chuyển đổi sang khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản do UBND huyện ký quyết định, hoặc diện tích trên phải nằm trong diện tích sổ đỏ thì mới đủ hồ sơ pháp lý để hỗ trợ.
Xin hỏi Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, trong thời gian tới UBND tỉnh Ninh Bình có giải pháp nào cho một số diện tích trên được hợp thức hóa để người dân nhận được chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh?".
Bà Đặng Thị Thanh Tâm, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn đánh giá nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng phát triển, các chương trình vay được mở rộng, số lượng tổ viên của các tổ tiết kiệm và vay vốn tăng lên. Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi tổ vay vốn không được quá 60 tổ viên.
Quy định này đối với các địa bàn đông dân cư, nhu cầu vay vốn nhiều là không còn phù hợp, vì vậy bà Đặng Thị Thanh Tâm đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tăng số lượng tổ viên của các tổ tiết kiệm và vay vốn lên trên 60 tổ viên để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Ý kiến của nông dân được giải đáp
Hội nghị đối thoại được nghe 28 ý kiến phát biểu trực tiếp về những phản ánh, kiến nghị của các đại biểu đại diện hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hợp tác xã, tổ hợp tác…trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Thông qua nội dung trả lời, giải đáp, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình và thủ trưởng các sở, ban, ngành đã thông tin các chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách của tỉnh Ninh Bình đang thực hiện.
Bên cạnh đó, một số chính sách mới trong thời gian tới sẽ triển khai để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tiếp cận và vận dụng trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đánh giá cao những ý kiến đề xuất, phản ánh tâm huyết, trí tuệ, rất thẳng thắn của các đại biểu đại diện cho 133.000 hội viên nông dân; đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác xã, các chi tổ hội nông dân nghề nghiệp...
Đồng thời, nghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan trong việc tham mưu, chuẩn bị các nội dung, điều kiện để tổ chức thành công Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình với nông dân năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc sẽ ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo cơ chế, chính sách cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, đảm bảo công khai, minh bạch để hội viên, nông dân xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị hàng hóa làm ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.