Quảng Trị: Cty tháo chạy, huyện kêu gọi "giải cứu" ớt cho nông dân

Ngọc Vũ Thứ bảy, ngày 19/05/2018 18:19 PM (GMT+7)
Công ty liên kết với nông dân trồng ớt, cam kết thu mua sản phẩm cho nông dân nhưng đến vụ thu hoạch thì bỏ chạy. Trước tình cảnh dở khóc dở cười này, chính quyền địa phương phải kêu gọi giải cứu ớt cho nông dân.
Bình luận 0

Những ngày này, không khí ở xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị) vô cùng ảm đảm. Nông dân trồng ớt trên địa bàn rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì doanh nghiệp bỏ chạy, không thu mua sản phẩm như cam kết ban đầu.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền) cho biết, hồi đầu tháng 3, Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Thiên An (Hải Phòng) nói với bà con rằng, trồng ớt đi rồi công ty sẽ cung ứng giống, phân bón, sau khi thu hoạch sẽ bao tiêu sản phẩm.

img

Bà Trần Thị Khuyên (thôn Đầu Bình 1, Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) bên vườn ớt chín đỏ chưa được thua mua. Ảnh: Ngọc Vũ

Vì có chính quyền địa phương tham gia nên nông dân tin lời công ty trồng ớt. Riêng nhà bà Nhàn trồng 1 sào (500m2) ớt sừng trâu. Háo hức chờ đợi, những tưởng sẽ có tiền triệu bỏ túi, không ngờ đến khi ớt chính đỏ vườn thì công ty bỏ chạy không thu mua như cam kết ban đầu.

Bà Trần Thị Khuyên (trú thôn Đâu Bình 1, Cam Tuyền) bức xúc cho hay, nhà tôi tham gia trồng 1,5 sào ớt. Phía công ty đầu tư giống, phân bón, còn nông dân bỏ hơn 5 ngày công lao động/sào (200.000 đồng/ngày công), tiền làm đất, mua tre, mua dây… để trồng ớt. Chăm sóc, mong đợi 3 tháng trời đến khi thu hoạch thì công ty “bỏ của chạy lấy người”, thật nhẫn tâm.

img

Một nông dân ở huyện Cam Lộ khóc giữa vườn ớt chín đỏ không được công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Thiên An (Hải Phòng) thu mua. Ảnh: Ngọc Vũ

Theo bà Khuyên, trước đây, trên diện tích trồng 1,5 sào này bà trồng lạc một vụ dù mất mùa cũng có lãi gần 2 triệu đồng, nay thì mất trắng vì trồng ớt.

“Chính quyền địa phương muốn tìm hướng đi, cây trồng mới cho bà con nâng cao thu nhập, đó là ý tốt, chúng tôi không trách cứ gì cả. Chúng tôi chỉ bức xúc công ty kia đã bội tín với nhân dân, với chính quyền huyện, xã” – bà Khuyên nói.

Ông Hoàng Liên Sơn – Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, trên địa bàn có 6,7 ha ớt trồng theo dạng liên kết với công ty nêu trên. Ớt đã chín cách đây nhiều ngày và bắt đầu rụng, có nơi cây đã khô héo và chết. Trước thực trạng đáng buồn trên, địa phương đang rất đau đầu tìm cách giải cứu ớt cho bà con.

img

Những cây ớt bắt đầu héo và chết dần - nó cũng giống niềm tin của nông dân đang héo mòn trong vụ trồng ớt này. Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, toàn huyện có 17,2 ha ớt với 191 hộ trồng liên kết với công ty nêu trên.

Theo biên bản ghi nhớ giữa huyện với công ty, để trồng 17,2 ha ớt, phía công ty đầu tư giống, phân bón, còn nông dân bỏ tiền làm đất, công lao động, dây dăng, tre…; phía huyện hỗ trợ bạt phủ chống cỏ cho nông dân.

Khi thu hoạch, công ty trên sẽ bao tiêu sản phẩm ớt với giá 5,5 ngàn đồng/kg ớt sừng trâu và 8,5 ngàn đồng/kg ớt chỉ thiên để xuất sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch công ty bỏ chạy, không mua với lý do thị trường không tiêu thụ!.

img

Tiếc của, chị Nguyễn Thị Nhàn (thôn Tân Hiệp, Cam Tuyền) hái ớt về phơi khô nhưng với số lượng quá nhiều chị cũng không biết làm gì cho hết. Ảnh: Ngọc Vũ

Theo tính toán của huyện Cam Lộ, để trồng 17,2 ha ớt phải bỏ ra 1,1 tỷ đồng, trong đó phía công ty bỏ ra 631 triệu đồng (47%), nông dân 396 triệu đồng (39%), huyện 155 triệu đồng (14%). Cũng theo chính quyền địa phương, mỗi sào 500m2 trồng ớt nông dân thiệt hại khoảng 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, phía nông dân cho rằng thiệt hại của họ hơn mức đó và hơn hết là khiến họ mất niềm tin.

Ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho hay, hiện còn 9 ha ớt sừng trâu với sản lượng ước 80 tấn đang cần giải cứu. Chính quyền đang vận động tất cả đơn vị, tổ chức xã hội, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thu mua, giải cứu ớt cho nông dân.

Đến ngày 19.5, huyện nhận được đăng kí mua ớt của nhiều đơn vị với tổng số lượng khoảng 30 tấn.

Theo ông Thanh, qua vụ việc này chính quyền và nông dân lại tiếp tục rút kinh nghiệm trong việc hợp tác liên kết sản xuất với doanh nghiệp để có đầu ra tốt hơn, tránh thiệt hại không mong muốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem