Quảng Trị những ngày rực lửa

Nguyễn Huy Hiệu Thứ sáu, ngày 29/04/2022 11:10 AM (GMT+7)
5 giờ 30 phút ngày 28/4/1972, cuộc tiến công quy mô toàn diện của 4 cánh quân vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Quảng Trị bắt đầu.
Bình luận 0

28/4/1972: Giải phóng Đông Hà

Mở màn chiến dịch, pháo của ta nã đạn vào căn cứ địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang, thị xã Quảng Trị. Căn cứ địch chìm ngập trong chớp lửa của đạn pháo ta.

Tại Đông Hà, Lai Phước, hướng chủ yếu của chiến dịch do Sư đoàn 308 đảm nhiệm. Khi đạn pháo chiến dịch chuyển làn, Trung đoàn 102 chia làm hai mũi đánh thẳng ra đường số 1, quyết chiếm cầu Lai Phước. Quân địch quyết giữ cầu, chúng tập trung hàng chục xe tăng thiết giáp yểm trợ cho bộ binh, bắn như đổ đạn vào đội hình quân ta. Trung đoàn tập trung súng chống tăng các loại cũng chỉ diệt được 3 xe tăng và hai ổ đại liên. Số xe tăng, thiết giáp còn lại lợi dụng độ cao của đường sắt làm vật che khuất và che đỡ, nhô tháp pháo lên khống chế xe tăng và bộ binh ta. Trung đoàn 102 buộc phải dừng lại chiếm lĩnh địa hình có lợi, nên tốc độ phát triển chậm.

Trung đoàn 88 được xe tăng chi viện tổ chức thành nhiều mũi đánh chiếm Trung Chỉ thuộc xã Triệu Lương, phía đông đường số 1. Quân địch ở đây khiếp đảm trước sự tiến công của ta nên tháo chạy về Đại Áng. Quân ta truy kích theo.

Cùng lúc đó, Trung đoàn 36 ở hướng bắc, thọc thẳng theo đường số 1 tiến vào Đông Hà. Trước sức tiến công của bộ binh và xe tăng ta, quân địch ở Đông Hà tháo chạy thục mạng.

8 giờ 30 phút, Tướng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Sư đoàn 308: Nhanh chóng cắt đứt cầu Lai Phước; đồng thời lưu ý các hướng cần chú ý về sự đột biến tan vỡ của địch.

gop/ Quảng Trị những ngày rực lửa (*) - Ảnh 1.

Quân Giải phóng làm chủ trận địa pháo “Vua chiến trường” của địch tại điểm cao 241 (căn cứ Tân Lâm), ngày 2/4/1972. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Sau hai đợt tiến công và nổi dậy từ 30/3 đến 1/5/1972, quân và dân Quảng Trị đã quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp của Mỹ - ngụy từ sông Bến Hải đến sông Mỹ Chánh, từ Lao Bảo đến Cửa Việt.

10 giờ pháo binh chiến dịch bắn phá khu vực cầu Lai Phước. Pháo vừa dứt, mũi bộ binh và cơ giới của Trung đoàn 102 ào ạt xung phong qua đường sắt. Ta bắn cháy một lúc 3 xe tăng địch, khống chế hai đầu cầu. Quân địch thấy nguy cơ mất cầu Lai Phước - một chiếc cầu sinh tử với quân địch ở Đông Hà, đã dồn sức phản kích điên cuồng, bắn như đổ đạn vào hai đầu cầu.

Các chiến sĩ bộ binh và công binh tràn lên cầu. Chỉ trong vài phút, 120kg thuốc nổ đặt giữa mặt cầu đã được liên kết xong. Anh em điểm hỏa. Khối bộc phá không nổ do nụ xòe gẫy núm và dây truyền lửa bị ẩm, mất tác dụng. Một chiến sĩ mưu trí cặp hai trái lựu đạn vào khối thuốc nổ, giật nụ xòe rồi chạy về đầu cầu. Một tiếng nổ dậy đất, phá hủy hoàn toàn cầu Lai Phước.

Cầu Lai Phước bị cắt đứt như một tiếng sét làm rung chuyển quân ngụy ở Đông Hà. Cùng lúc, Trung đoàn 36 ở phía bắc, Trung đoàn 102 ở phía nam theo đường số 1 đánh ngược lên, Trung đoàn 88 ở phía tây đánh ép xuống. Toàn bộ cụm quân địch ở Đông Hà hoang mang cực độ, bỏ xe cộ khí giới chạy thoát thân. Chúng xông vào các xóm làng ven đường, ven sông tranh cướp quần áo của dân để mặc làm dân sự. Chúng lao bừa ra sông Thạch Hãn, tranh cướp thuyền ghe để vượt sang bờ nam. Hàng trăm tên đắm thuyền ghe bỏ mạng giữa sông.

15 giờ 30 phút ngày 28/4/1972, toàn bộ Đông Hà, Lai Phước được giải phóng. Trên hướng Sư đoàn 304, lúc 5 giờ sáng, khi Trung đoàn 24 đang triển khai đội hình đánh vào Ái Tử thì một cụm quân địch hỗn hợp cả bộ binh và xe tăng chốt chặn sẵn ở vòng ngoài phát hiện được.

Như phương án đã định, Trung đoàn 24 cho một phân đội theo bình độ khuất vòng trái tiến lên nổ súng thu hút địch. Sau khi bị đánh bất ngờ quân địch tập trung lực lượng phản công lại ta. 12 xe tăng địch có rất nhiều bộ binh bám theo dàn hàng ngang hùng hổ xông thẳng vào đội hình tiến công của ta. Hai tiểu đội tên lửa chống tăng B72 được lệnh bắn.

gop/ Quảng Trị những ngày rực lửa (*) - Ảnh 3.

Trong bài xã luận đăng trên báo Quảng Trị giải phóng có đoạn: "Ngày 1/ 5/1972, Quảng Trị hoàn toàn giải phóng, đánh dấu mốc vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của tỉnh"... "Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Đó là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, thắng lợi này tỏ rõ sự trưởng thành vượt bậc, sức mạnh to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm cho thế ta càng thắng, lực ta càng mạnh…".

Ngay từ những quả đạn đầu, 6 chiếc xe tăng M48 kềnh càng của địch bị bốc cháy. Những chiếc xe tăng còn lại khiếp sợ những "quả đạn có mắt" vội vàng quay đầu tháo chạy. Nhưng không kịp, bộ binh và xe tăng ta xung phong truy diệt toàn bộ số xe tăng và bộ binh Lữ đoàn 258.

Trung đoàn 48, sau khi diệt xong căn cứ Tân Vinh đã nhanh chóng xốc lại đội hình phối hợp cùng Sư đoàn 304 tiến công địch ở Ái Tử.

12 giờ ngày 28/4/1972, Trung đoàn 24 và Trung đoàn 48 được sự yểm trợ của xe tăng, thiết giáp mở cuộc tiến công quân địch cố thủ ở sân bay Ái Tử. Địch chống trả quyết liệt, nhiều trận đánh đẫm máu để giành giật từng đoạn hào, từng lô cốt đã diễn ra. Đến 17 giờ 30 phút, ta mới chiếm được hơn nửa sân bay, vì quân số bị hao hụt, đạn dược cạn dần, quân ta phải tạm dừng củng cố, bổ sung rồi mới đánh tiếp.

Ở mũi thọc sâu của Trung đoàn 66, tình hình còn phức tạp hơn. Sau một đêm hành quân mệt mỏi căng thẳng, trung đoàn đã đến nam cầu Quảng Trị, triển khai trận địa chốt chặn chia cắt đường 1.

Nhưng, quân địch ở đây tổ chức phòng ngự rất chặt chẽ. Ngay từ phút đầu chúng đã phát hiện lực lượng ta và gọi phi pháo đánh chặn rồi cho quân phản kích, quyết đánh bật trung đoàn ra khỏi khu vực cầu. Tình huống trở nên phức tạp, chỉ huy Trung đoàn 66 một mặt chỉ huy đơn vị lợi dụng địa hình địa vật tổ chức bám trụ, đánh trả những đợt phản kích của địch, mặt khác gọi pháo chiến dịch bắn mạnh vào hai khu vực đầu cầu phía bắc và phía nam yểm trợ cho trung đoàn xoay chuyển tình thế phát triển tiến công.

Đến 8 giờ sáng, mũi ở phía nam đã đột phá cụm quân địch chốt giữ ga Quảng Trị. Bị đánh tạt sườn bất ngờ, địch lùi ra đường 1. Lợi dụng tình thế thuận lợi, mũi đột phá phía bắc ào lên đánh chiếm chốt giữ đầu cầu Quảng Trị.

12 giờ trưa, Trung đoàn 66 cơ bản làm chủ mục tiêu phía nam cầu Quảng Trị, rồi chuyển sang đánh địch giải tỏa đường 1.

1/5/1972: Tiến vào thị xã Quảng Trị

Cho đến ngày 30/4/1972, quận lỵ Hải Lăng là cứ điểm cuối cùng của địch vào loại mạnh nhất còn lại trên đồng bằng Quảng Trị.

Tại đây, lính ngụy từ Thừa Thiên ra ứng cứu cho Quảng Trị, lính từ thị xã Quảng Trị chạy về, chưa kể lính địa phương ở các nơi dắt díu cả gia đình vợ con đi di tản tắc nghẽn ở quận lỵ Hải Lăng.

Bộ chỉ huy vùng 1 chiến thuật vội vã dựng thêm hàng loạt căn cứ mới dọc Quốc lộ 1 và hai bên bờ sông Ô Khê để ngăn chặn và "tử thủ".

Sáng 1/5/1972, toàn bộ đội hình của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 do tôi chỉ huy đã triển khai xong lực lượng đánh quân địch trong quận lỵ Hải Lăng. Bên trong quận lỵ lúc này dân và lính đều đông. Một vấn đề được đặt ra là phải đánh thắng quân địch nhưng cũng phải bảo vệ được tính mạng người dân.

Tôi trao đổi với đại đội phó đại đội xe tăng Hoàng Thọ Mạc, quê Xuân Hùng, Xuân Thủy, Nam Định:

- Để bảo vệ được dân khi nổ súng đánh vào quận lỵ, ta cho xe tăng đột kích từ hướng bắc theo đường số 1 vào các cụm quân lớn của địch. Mục tiêu là chi khu quân sự Hải Lăng, uy hiếp tinh thần binh lính địch ngay từ đầu. Khi phát hiện được dân thì không được nổ súng mà dùng loa kêu gọi quân địch đầu hàng, kêu gọi người dân hãy vận động chồng con quay súng trở về với cách mạng.

Hoàng Thọ Mạc nói:

- Tôi sẽ cho xe tăng tiến nhanh, dùng tiếng nổ động cơ và xích sắt uy hiếp tinh thần chúng, nếu nó chạy cùng với dân thì súng 121y 7 trên xe bắn cao làm cho chúng khiếp sợ. Kết hợp làm công tác binh vận và dân vận để đánh địch.

Phương án tiến công quận lỵ Hải Lăng đã được thống nhất cao giữa bộ binh và xe tăng.

8 giờ ngày 1/5/1972, tôi phát lệnh tiến công địch trong quận lỵ Hải Lăng. Đại đội 1 Đại đội 2 cùng xe tăng theo đường số 1 tiến vào quận lỵ Hải Lăng. Tôi và Hoàng Thọ Mạc mỗi người chỉ huy một xe tăng T54 dẫn đầu đội hình ầm ầm tiến thẳng vào quận lỵ. Đại đội 3 đánh chia cắt địch ở phía cầu Nhi.

Cuộc chiến đấu của Đại đội 3 diễn ra ác liệt. Quân địch cố giữ chiếc cầu sinh tử đối với chúng. 5 chiến sĩ của đại đội đã hy sinh tại đây là: Phạm Văn Lân (quê Đội 20, Bắc Thuận, Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An); Hồ Văn Tuyền (quê Đội 8, Hợp tác xã Đồng Tâm, Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Nguyễn Như Tư (quê Đội 8, Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An); Trần Văn Vỵ (quê Đội 7, Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An) và Nguyễn Xuân Lam (quê Đội 6, Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An).

Khi thấy xe tăng và bộ binh ta xuất hiện giữa quận lỵ Hải Lăng, lính ngụy trong các vị trí chống trả quyết liệt. Chúng tôi lệnh cho xe tăng hạ nòng pháo bắn vào các ổ đề kháng. Đạn pháo 100 ly của xe tăng ta bắn thẳng làm quân địch kinh hoàng, bỏ chạy về phía Diêm Thanh. Nhiều tên bơi dọc con sông nhỏ Cửa Sát chạy qua quận lỵ để thoát thân.

10 giờ ngày 1/5/1972, quận lỵ Hải Lăng hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi đã thực hiện được kế hoạch đánh tiêu diệt địch, không một người dân nào bị thiệt mạng. Mũi tiến công bằng bộ binh cơ giới này Đại đội 1 có một chiến sĩ hy sinh là: Vi Văn Quang (quê Bản Thịnh, Châu Đình, Quỳ Hợp, Nghệ An), Đại đội 2 có một chiến sĩ hy sinh là Phạm Đức Trừ (quê Nghĩa Quang, Nghĩa Đàn, Nghệ An).

Chiều cùng ngày Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 27 từ phía thị xã Quảng Trị tiến thẳng theo Quốc lộ 1 vào phía tây quận ly Hải Lăng.

Ngay từ ngày 28/4/1972, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 đã bí mật vào chiếm lĩnh những vị trí trọng yếu nhất trên đường 1 nam Quảng Trị. Hàng chục trận đánh đã diễn ra ở cầu Nhùng, cầu Dùi, bến Đá, Thượng Xá, Mai Động...

10 giờ ngày 28, một loạt bom B52 cắt qua đội hình Trung đoàn 1, hai chiến sĩ hy sinh. Một trong ba nữ du kích dẫn đường cũng bị hy sinh. Ngày 29/4, địch đã phát hiện chủ lực ta chia cắt đường số 1 nên đã cho một tiểu đoàn thuộc Liên đoàn biệt động quân số 1 cùng một chi đội xe bọc thép từ Long Hưng vào quyết đè bẹp quân ta.

Pháo binh địch bắn phá dữ dội hai bên cầu Nhùng và đầu làng Mai Động. 9 giờ 30 phút, khi các chiến sĩ của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 đã vào vị trí chiến đấu phát hiện một đoàn 30 xe GMC chở đầy lính biệt động quân và công binh bắc cầu dã chiến để thông đường. Ngay từ loạt đạn đầu, Tiểu đoàn 3 đã diệt 4 xe GMC, hai xe M113, số còn lại quay đầu tháo chạy.

Cùng thời gian đó, Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 2 Sư đoàn 324 đánh bật tiểu đoàn 8 thuộc Lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ ngụy ở khu vực Tường Phước, Tân Điền mở đường cho Tiểu đoàn 4 cơ động xuống đánh địch ở cầu Bến Đá. Bị mất Ái Tử và quận lỵ Hải Lăng đường số 1 phía nam bị cắt đứt, đến 11 giờ ngày 1/5/1972, quân địch ở La Vang và thị xã Quảng Trị bắt đầu rút chạy. Quân ta tiến vào thị xã Quảng Trị.

* Trích hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVTND.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem