Quảng Trị: Nuôi những loài bò con to, bự, cho ở "nhà lầu" mà dân làm giàu
Quảng Trị: Nuôi những loài bò con to, bự, cho ở "nhà lầu" mà dân làm giàu
Thứ ba, ngày 19/05/2020 19:30 PM (GMT+7)
Từ lâu người chăn nuôi bò ở thôn Bình Mỹ (thôn Bắc Bình sáp nhập với thôn Xuân Mỹ), xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) luôn xem vật nuôi này là “đầu cơ nghiệp”, là nguồn sinh kế quan trọng.
Tuy vậy, vùng chăn nuôi bò lai có tiếng này cũng là vùng rốn lũ, thường xuyên hứng chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ.
Bởi vậy, để bảo vệ đàn bò nuôi có giá trị kinh tế cao của mình, nhiều năm qua, nhiều gia đình nơi đây không ngần ngại bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng để xây dựng “chuồng lầu” kiên cố làm nơi… tránh lũ cho bò!
Nằm ở gần đầu thôn Bình Mỹ, gia đình ông Hồ Văn Phước hiện đang nuôi 6 con bò lai. Đây cũng là tài sản đáng giá của gia đình ông ngoài canh tác lạc và lúa. Khi chúng tôi ghé thăm, ông Phước cùng người con trai đang tranh thủ thái chuối cây để làm thức ăn cho bò.
Ngay trước căn nhà khang trang của gia đình ông Phước là chuồng bò được xây dựng khá lạ mắt với kết cấu bê tông hai tầng kiên cố, sàn được đổ bằng bê tông, mái lợp bằng phi-bờ rô xi măng, cạnh bên có một cầu thang bê tông thoai thoải dẫn lên tầng 2.
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Phước chỉ tay vào khu chuồng rồi giải thích: “Chuồng này được gia đình tôi làm hết 35 triệu đồng. Năm 2017, tức là một năm sau xảy ra trận lụt lớn bất ngờ khiến nhà tôi ngập đến cổng nhà, bò nuôi phải đưa đi lánh nạn tận trong thị trấn và trên rừng rất vất vả, suýt bị trôi khiến tôi lo lắng nên quyết tâm làm chuồng như thế này”.
Sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, khu chuồng trại 2 tầng này đã trở thành nơi lánh nạn an toàn của đàn bò gia đình ông.
Ông Phước cho biết, gia đình ông chăn nuôi bò đã lâu nhưng bắt đầu nuôi nhốt bò lai thâm canh cách đây khoảng 10 năm. “Gia đình tôi vừa nuôi bò sinh sản, vừa mua bò về vỗ béo bán lại. Bình quân mỗi năm gia đình bán khoảng 4 con (từ 30-40 triệu đồng/con), trừ chi phí cũng lãi được một nửa. Thật sự là dân làng tôi từ lâu nhờ vào nuôi bò mà có cuộc sống ổn định và khấm khá nên ai cũng cố gắng chăm lo cho đàn bò của mình”, ông Phước nói thêm.
Để chủ động nguồn thức ăn cho bò nuôi, gia đình ông trồng 4 sào cỏ cao sản VA06, đồng thời tận dụng nguồn rơm, thân cây lạc từ 6 sào lúa, 2 mẫu lạc… Nhờ nguồn thức ăn dồi dào nên đàn bò nuôi của gia đình ông luôn được chăm sóc tốt, đạt trọng lượng, chất lượng tối ưu.
Ngoài ra, ông còn trồng cỏ cao sản làm thức ăn và bán cỏ giống cho nhiều gia đình chăn nuôi bò nhốt trong huyện, trong tỉnh”.
Và thực tế, nghề chăn nuôi bò lai nhốt chuồng tại địa phương cũng đã tỏ rõ hiệu quả kinh tế cao, được người dân lựa chọn nên họ chấp nhận nuôi bò thích nghi với mưa lũ. Theo đó, mô hình chuồng nuôi kiểu tầng lầu ra đời để bảo vệ tài sản được người dân ưa chuộng và không ngần ngại bỏ hàng chục triệu đồng để xây dựng.
Thôn Bình Mỹ, đặc biệt là khu dân cư Bắc Bình có truyền thống nuôi bò lai có tiếng ở huyện Cam Lộ. Đây là vùng đất bãi bồi phù sa rất màu mỡ, tuy nhiên nơi này cũng chính là vùng đất thấp trũng nhất nhì huyện Cam Lộ, mỗi mùa mưa lũ về thường bị ngập sâu, bị cô lập với bên ngoài trong nhiều ngày nên rất khó để người dân chạy lũ cũng như di chuyển vật nuôi đi tránh lũ bên ngoài.
Dù vậy, đây cũng chính là vùng đất thích hợp với nuôi bò vì là nơi có diện tích đất trồng cỏ lớn, cỏ phát triển tốt và tận dụng được nhiều nguồn phụ phẩm nông nghiệp cũng như người dân đã có bề dày kinh nghiệm, tay nghề chăn nuôi bò thuần thục.
Chị Phan Thị Hải Yến, cán bộ khuyến nông xã Cam Tuyền, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Bình Mỹ cho biết, thôn có 102 hộ dân thì có đến 70 hộ chăn nuôi bò lai nhốt chuồng (bình quân 4-10 con/gia đình). Tỉ lệ bò lai giống Zê-bu của thôn đến nay đạt gần 90%.
Chị Yến cho biết, tỉ lệ tiêm phòng các loại bệnh cho bò được chú trọng và đạt hằng năm trên 90%. Hiện thôn Bình Mỹ vẫn đang duy trì hiệu quả CLB chăn nuôi bò lai với hơn 60 thành viên. Tham gia CLB, các hộ gia đình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về kiến thức chăn nuôi, thị trường tiêu thụ, giúp nhau về vốn, giống thức ăn…
Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Trần Thọ Bình cho biết, đến nay toàn xã Cam Tuyền phát triển được tổng đàn bò 1.029 con (chưa tính bò chăn thả trong rừng), trong đó bò lai toàn xã chiếm 70%. Ông Bình cho biết, phong trào nuôi bò lai nhốt chuồng ở xã bắt đầu phát triển mạnh khoảng chục năm qua.
Đặc biệt là sau khi Trường Đại học Nông lâm Huế ra thôn Bắc Bình cũ thực hiện thí điểm mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò lai vào năm 2012, sau đó chuyển giao lại cho địa phương và người dân tiếp tục phát triển.
“Từ truyền thống chăn thả rong, trong đó rất nhiều hộ thả rong trong rừng thì đến nay đa số các hộ nuôi bò tại địa phương đã chuyển sang nuôi nhốt chuồng vì đã chủ động được nguồn thức ăn sẵn có. Hiệu quả kinh tế của vật nuôi này đạt cao, nhiều hộ nuôi bò đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ thu nhập ổn định. So với các loại cây trồng khác và nuôi bò cóc thì nuôi bò lai nhốt tại địa phương cho thu nhập cao gấp 1,5-2 lần nên nhiều gia đình xem đây là nghề chính”, ông Bình nói thêm.
Từ khi chuyển qua mô hình nuôi bò nhốt, nhiều gia đình tại thôn Bình Mỹ đã không ngần ngại đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, trong đó có rất nhiều chuồng được xây dựng theo kiểu 2 tầng với chiều cao từ tầng dưới lên sàn tầng trên đạt từ 2-3,5m.
Khi bình thường thì nuôi bò tầng dưới, khi có mưa lũ thì sẽ đưa bò lên tầng 2 tránh lũ, đồng thời tầng 2 cũng là nơi dự trữ thức ăn. Thống kê sơ bộ thì chỉ riêng ở khu dân cư Bắc Bình- vùng trọng điểm nuôi bò lai nhốt của xã- có đến hơn 35 hộ làm chuồng 2 tầng với mức đầu tư từ 30-60 triệu đồng/chuồng, có diện tích phổ biến từ 12-30m2 /chuồng.
Khu dân cư này cũng có diện tích trồng cỏ lên đến 5,7 ha, cơ bản đảm bảo được nguồn thức ăn cho vật nuôi trong năm. “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, tăng tỉ lệ bò lai để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời chú trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh, quản lý đàn bò nuôi cũng như tranh thủ các chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình chăn nuôi bò lai nhốt chuồng trong toàn xã”, ông Bình cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.