Toàn thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có trên 50 hộ nuôi trứng nước, tập trung nhiều ở phường Nhị Mỹ, xã Long Khánh, Tân Hội, Nhị Quí và Phú Quí…Nghề nuôi trứng nước ở thị xã Cai Lậy phát triển gần 10 năm trở lại đây. Lúc đầu chỉ có vài hộ nuôi với số lượng nhỏ không đủ cung cấp thức ăn cho nghề ương cá giống ở địa phương.
Trứng nước hay còn gọi là bo bo, bọ đỏ, tên quốc tế là Moina macrocopa Ảnh: Plantsam
Do đó, nông dân phải mua trứng nước ở các tỉnh trong khu vực để làm thức ăn cho cá giống. Từ thực tế trên nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi trứng nước thông qua việc tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trứng nước của nông dân ở một số vùng lân cận, mở rộng diện tích và qui mô nuôi trứng nước với diện tích vài chục ha/năm.
Ông Nguyễn Văn A ở phường Nhị Mỹ cho biết: gia đình ông có 10 ao nuôi trứng nước diện tích khoảng 1.000 m2 mặt nước. Năm 2000, ông làm tài xế chuyên chở trứng nước cho bà con bán ở TP.HCM, thấy nghề nuôi trứng nước đơn giản dễ làm, phù hợp với nhiều đối tượng ông thiết kế ao khoảng 20 m2 nuôi thử nghiệm, cho thu nhập ổn định, ông mở rộng diện tích ao nuôi lên cho tới nay.
Thức ăn để nuôi trứng nước chủ yếu là các chất phế thải ở nhà máy chế biến thủy sản và một số loại khác, mực nước trong ao nuôi trứng nước sâu khoảng 50 cm, mỗi ngày cho trứng nước (bo bo, bọ đỏ) ăn vào buổi chiều và vớt vào sáng sớm. Mỗi ao vớt chừa lại 1 phần để trứng nước tiếp tục sinh sản.
Trứng nước chính là loài giáp xác có kích thước nhỏ, trong cơ thể chúng chứa nhiều ezyme tiêu hóa như Proteinases, Peptidases, Mmylases, hàm lượng HUFA là những Acid amine thiết yếu mà cơ thể cá, tôm không thể tự tổng hợp được…Ảnh: Seller/greenwaterfarm.biz.
Tùy theo nguồn nước mà cho trứng nước ăn thích hợp tránh dư thừa, hạn chế ao ô nhiễm, làm giảm năng suất. Bình quân mỗi ngày ông A vớt 20 lon trứng nước, bán giá 12.000 đồng/lon. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, tuy giá cao hơn trước đây nhưng theo ông lợi nhuận không bằng những năm trước do giá các loại thức ăn và chi phí đều tăng, trừ chi phí ông thu lãi 140.000 đồng/ngày.
Trước đây anh Nguyễn Văn Thời ở ấp Quí Trinh, xã Nhị Quí ương 4.000 m2 cá giống không hiệu quả, do đầu ra không ổn định lợi nhuận thấp. Năm 2007, anh chuyển sang nuôi trứng nước, lợi nhuận khá hơn so với ương cá giống. Ngoài việc nuôi anh còn mở đại lý thu mua trứng nước của bà con trong khu vực, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh thu nhập vài chục triệu đồng/năm.
Theo anh Thời nghề nuôi trứng nước khá đơn giản, ít tốn chi phí, dễ làm chủ yếu lấy công làm lời, phù hợp với nhiều đối tượng. Thông qua việc nuôi và kinh doanh trứng nước gia đình anh thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, không còn cảnh thiếu trước, hụt sau như trước đây.
Không riêng gì ông A và anh Thời mà hầu hết những hộ nuôi trứng nước có chung tâm trạng phấn khởi. Do đây là mùa thuận thích hợp cho việc nuôi trứng nước, mặc khác nhu cầu thức ăn cho cá giống tăng cao, không đủ cung cấp cho thị trường. Thông qua nghề nuôi trứng nước, góp phần giải quyết việc làm lao động nhàn rỗi và thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương ./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.