Quên điện mặt trời đi, điện gió mới là “miếng bánh ngọt” hấp dẫn
Quên điện mặt trời đi, điện gió mới là 'miếng bánh ngọt' hấp dẫn
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 12/05/2021 15:20 PM (GMT+7)
Công suất của các nhà máy điện gió dự kiến sẽ ít biến động hơn so với các nhà máy điện mặt trời, thủy điện (ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino và La Nina). Chưa kể, với giá FIT là 8,5 cents/kwh, các dự án điện gió trên bờ cũng sẽ cạnh tranh hơn so với nguồn điện mặt trời với giá FIT cao hơn là 9,35 cents/kwh…
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 22/3/2021 về các dự án gió cho thấy, có khoảng 4,4GW đang được xây dựng, và 6,2GW còn lại sẽ được phát triển trong giai đoạn 2022- 2025, dựa trên dự thảo Quy hoạch điện 8.
Theo SSI Research, với giả định tăng trưởng tiêu thụ điện khoảng 7,6%-8% trong giai đoạn 2022-2025, vẫn còn dư địa để triển khai dự án điện gió với công suất 6,2GW.
Dư địa lớn cho mảng điện gió
Trong năm 2020, sản lượng sản xuất điện gió sản xuất trên toàn quốc đạt 1.284 (GWh), sản lượng thương phẩm là 1.117 (GWh), đạt hiệu suất 12%. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, ước tính điện gió sẽ tăng mạnh cả về sản lượng sản xuất lần thương phẩm, lần lượt đạt con số 2.038 (GWh), và 1.773 (GWh). Công suất điện gió năm 2021 cũng ước tính đạt tới 5.632 (MW).
Bước sang năm 2022, ước tính điện gió sẽ đạt con số sản lượng lên tới 18.543 (GWh), sản lượng thương phẩm đạt 16.132 (GWh) và công suất lên tới 7.197 (MW). Hiệu suất mảng điện gió cũng tăng từ 12% lên tới 33%.
Trong giai đoạn từ 2023-2025, công suất của các nhà máy điện gió dự kiến sẽ ít biến động hơn so với các nhà máy điện mặt trời/thủy điện liên quan đến điều kiện thời tiết El Nino và La Nina. Đồng thời, quy mô của ngành điện gió cũng tăng mạnh cả về sản lượng lẫn hiệu suất (từ 36-38%).
Cụ thể, năm 2023, ước tính điện gió sẽ đạt con số sản lượng lên tới 27.248 (GWh), sản lượng thương phẩm đạt 23.706 (GWh) và công suất lên tới 8.762 (MW).
Năm 2024, ước tính điện gió sẽ đạt con số sản lượng lên tới 32.567 (GWh), sản lượng thương phẩm đạt 28.333 (GWh) và công suất lên tới 10.327 (MW). Và năm 2025, quy mô sản lượng điện gió lên tới 39.586 (GWh), sản lượng thương phẩm đạt 34.440 (GWh) và công suất lên tới 11.892 (MW).
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam năm 2021. Theo EVN, đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất là 6.038MW.
Căn cứ báo cáo của các chủ đầu tư, tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại của các dự án điện gió như sau: Số dự án đã đưa vào vận hành thương mại là 12 dự án, tổng công suất là 582MW; Số các dự án dự kiến tiếp tục vào vận hành thương mại trước 31/10/2021 là 87 dự án, với tổng công suất là 4.432MW; và số các dự án không thể vận hành thương mại trước 31/12/2021 là 14 dự án với tổng công suất là 1.024MW.
Doanh nghiệp nào có "số má" ngành điện gió?
DN có "số má" lớn trong ngành điện gió hiện nay Trung Nam Group. Cụ thể, Trung Nam Group vừa chính thức khánh thành nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay, kết hợp với nhà máy điện mặt trời 204 MW, hình thành tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió lớn nhất tại Việt Nam hồi trung tuần tháng 4 vừa qua.
Tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng điện gió – điện mặt trời Trung Nam đạt 950 triệu kWh đến 1 tỷ kWh điện mỗi năm.
Trước đó, Trung Nam Group đã đưa vào vận hành 2 dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận và tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với tổng công suất trên 360 MW, cùng với dự án điện gió tại huyện Thuận Bắc có tổng công suất trên 151,95 MW.
Ngoài ra, Trung Nam Group hiện đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án năng lượng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2027 sẽ đưa thêm 10 GW hòa lưới hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, Trungnam Group đang tích cực thực hiện kế hoạch mang 900 trụ gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi đến các dự án tại các địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai, Trà Vinh, Ninh Thuận…
Một DN khác cũng đang được đánh giá cao với các dự án điện gió đang xây dựng là Công ty CP Xây lắp điện 1 (HoSE: PC1).
Cụ thể, PC 1 đang xây dựng 3 dự án điện gió gồm: Liên Lập, Phong Nguyên, Phong Huy (tổng công suất 144 MW). Theo đó, PC1 đã vay 180 triệu USD cho 3 dự án điện gió với lãi suất cố định thấp đáng ngạc nhiên là 5,4% trong vòng 15 năm.
"PC1 dự kiến sẽ tăng trưởng LNST (+30% so với cùng kỳ) trong năm 2022, phụ thuộc vào sự thành công của 3 dự án điện gió. Các dự án này dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11/2021 và đi vào hoạt động vào năm 2022, đồng thời bù đắp mức sụt giảm trong mảng thủy điện liên quan đến El Nino", chuyên gia của SSI Research, dự báo.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển điện gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.