Na Uy là quốc gia săn bắt cá voi hàng đầu trên thế giới.
Theo IFL Science, Cá voi vốn được mệnh danh là những sinh vật khổng lồ trong lòng đại dương, hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao trước sự săn bắt quy mô lớn của con người.
Trong khi nhiều quốc gia đang phản đối việc săn bắt cá voi để bảo vệ hệ sinh thái biển thì ở Na Uy, người dân được phép đánh bắt cá voi và đây cũng là ngành công nghiệp hái ra tiền ở quốc gia này.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Na Uy Per Sandberg tuyên bố cho phép ngư dân đánh bắt cá voi nhiều hơn trong năm nay, nhấn mạnh “thịt cá voi là một loại thực phẩm ngon lành và tốt cho sức khỏe”.
Số lượng cá voi được săn bắt năm nay ở Na Uy đã được tăng lên tới 1278, so với mức 999 vào năm 2017 và 880 vào năm 2016.
Giết hại cá voi lấy thịt khá phổ biến ở Na Uy, Iceland và Nhật Bản.
“Na Uy có ngành công nghiệp săn bắt cá voi quy mô lớn nhất, chỉ có Nhật Bản là thị trường cạnh tranh duy nhất”, ông Sandberg nói. “Điều đó là rất ấn tượng. Chúng ta cần phải phát triển lĩnh vực này”.
Cá voi Minke thường sống ở Bắc Đại Tây Dương và là loài cá voi bị săn bắt nhiều nhất. Việc săn bắt cá voi đã diễn ra từ thế kỷ 17, khiến nhiều loài đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Ủy ban cá voi quốc tế từng kêu gọi các quốc gia chấm dứt việc săn bắt cá voi vì mục đích thương mại vào năm 1986.
Na Uy và Iceland là hai quốc gia phớt lờ toàn lệnh cấm này. Nhật Bản vẫn tiếp tục khai thác loài cá voi nhưng dưới mục đích phục vụ cho các “nghiên cứu khoa học”.
Tuy vậy, nhu cầu về thịt cá voi đang có xu hướng giảm. Theo một báo cáo công bố năm 2016 của Cơ quan điều tra Môi trường ở London, 125 tấn thịt cá voi đã không được tiêu thụ và phải chuyển đến xưởng sản xuất thức ăn dành cho gia súc ở Na Uy vào năm 2014.
Trong gần 20 năm sau Thế chiến 2, dân Nhật Bản ăn cá voi nhiều hơn bất kì loại thực phẩm nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.