Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp lần này dài hơn các kỳ trước vì có liên quan đến vấn đề nhân sự. Việc nhân sự thì phải làm đúng quy trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng muốn giảm ngày họp đi, song vẫn phải đảm bảo đúng quy định.
“Nói ngày Quốc hội họp chi hết 1 tỷ đồng là chưa có cơ sở, vì toàn bộ hội trường họp là Bộ Quốc phòng cho mượn, không thu phí. Chúng tôi còn phải cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ công an phục vụ bảo vệ kỳ họp hoàn toàn là hỗ trợ. Chúng ta chỉ có chi phí cho đại biểu về họp, tiền ăn, tiền ở, điều kiện chưa có cơ sở vật chất tập trung về một nơi, đại biểu phải ở rải rác các khách sạn nên rất vất vả cho người phục vụ chứ không có khoản nào khác. Nói là 1 tỷ đồng/ngày là không có cơ sở” - ông Nguyễn Hạnh Phúc giải đáp thắc mắc.
Họp báo thông báo kết quả kỳ họp.
Về câu hỏi số tiền chi phí cụ thể thế nào, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết chưa có quyết toán, ở mỗi kỳ họp có khác nhau.
Về vấn đề chọn bộ trưởng, trưởng ngành để trả lời chất vấn tại kỳ họp này sao chưa trúng vấn đề bức xúc, dư luận xã hội và cử tri quan tâm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trước đó đã phát phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, một nguyên tắc rất quan trọng chất vấn bộ trưởng nào thì người đó phải có câu hỏi chất vấn của đại biểu thì mới chất vấn được. Phải chọn bộ trưởng nào có nhiều câu hỏi thì mới chọn được. Khi tổng hợp tất cả câu hỏi của đại biểu chất vấn đối với từng thành viên Chính phủ, có những bộ trưởng không có câu nào. Trên cơ sở các câu hỏi chất vấn sẽ chọn từ số lượng câu hỏi từ cao xuống thấp. Bên cạnh đó thì chọn lọc vấn đề bức xúc của xã hội, cử tri đang quan tâm. Rồi cũng phải ưu tiên những bộ trưởng chưa được đăng đàn bao giờ. Sau khi chọn danh sách lại báo cáo với đại biểu Quốc hội toàn bộ việc chọn lọc 5 vị bộ trưởng có nhiều câu hỏi nhất, có bức xúc thế để đại biểu chọn 4 vị. Ngoài ra, đại biểu có thể cho thêm vào mục ý kiến khác, có dự kiến thêm ai khác nữa không.
Một vấn đề cũng được báo chí quan tâm là việc tại các phiên họp Quốc hội còn ghế trống, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải đáp: Trên thực tế có một số đại biểu do bận công tác nên vắng mặt.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Quốc hội họp thường là dài ngày, trong thời gian đó ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh miền Trung xảy ra bão lụt, hoặc có những vấn đề không thể hoãn được, có những vị đại biểu Quốc hội lại giữ vị trí trọng trách ở địa phương nên họ đã xin phép Đoàn Chủ tịch, Đoàn thư ký nghỉ để về giải quyết việc địa phương.
“Các vị thường trực trong Hội đồng Dân tộc, trong ủy ban của Quốc hội cũng không thể nào ngồi ở hội trường hết được cả. Những vị này cũng phải rút ra ngoài để giải quyết, xử lý những công việc của Quốc hội để còn tiếp tục báo cáo lại. Nên nhìn vào những ghế đó bao giờ cũng có chỗ bỏ trống” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lý giải.
Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.