Nhiều luật chưa vào cuộc sống
Quốc hội (QH) là cơ quan lập pháp, tuy nhiên, rất nhiều đại biểu đã thừa nhận rằng, QH đang rất thụ động trong việc lập pháp. Quy trình làm luật tại QH đang cho thấy một thực tế là Chính phủ trình dự án luật gì thì QH xem xét, thông qua dự án luật đó. Các bộ luật, vì thế, bắt nguồn từ nhu cầu của Chính phủ chứ chưa bắt đầu từ cuộc sống.
|
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng phát biểu tại hội trường. |
LS Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) nêu thực tế một số luật sau khi thông qua, vẫn trong tình trạng “luật khung”, “luật ống”, tức luật chỉ là luật mà không đi vào cuộc sống vì thiếu văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật gia Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cũng phản ánh: QH đang chấp nhận hiện tượng Chính phủ trình nội dung gì thì bàn cái đó. Bàn không được thì chưa thông qua, gây ra lãng phí, tốn kém. Việc giám sát, theo ông Đào là “chưa truy tới cùng sự việc”.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị cần có 2 loại nghị quyết. Một loại nghị quyết có giá trị như luật để buộc Chính phủ phải thực hiện. Một loại là hình thức khuyến nghị, Chính phủ có quyền lựa chọn hoặc làm, hoặc không, nhưng nếu không làm QH sẽ xem xét trách nhiệm nếu có hậu quả.
“Bấm nút” xong thấy buồn
Liên quan đến trách nhiệm của đại biểu QH, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng: Cần công khai và minh bạch hoá quyết định của đại biểu thông qua việc “bấm nút” biểu quyết. Đây là điều kiện để dân giám sát đại biểu mà họ bầu ra.
Cần công khai và minh bạch hoá quyết định của đại biểu thông qua việc bấm nút. Đây là điều kiện để dân giám sát đại biểu mà họ bầu ra.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
Ông cho biết đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ QH và nhận được trả lời là điều đó phụ thuộc tập quán của từng nước và có những cái công khai, có những cái không cần công khai.
“Vì sao chúng ta không chọn sự công khai minh bạch, để chính đại biểu phải tự chịu trách nhiệm cao hơn đối với các quyết định của mình trước dân?”- ông Quốc đặt câu hỏi và đồng thời kêu gọi “không nên công chức hoá bộ máy QH”.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) tâm sự: Nhiều lúc sau khi “bấm nút” cảm thấy rất buồn. Bà mong muốn: “Cần phải được “bấm nút” mà không chịu sự chi phối”. Bà Loan cũng yêu cầu QH cần giám sát toàn bộ chi tiêu của ngân sách nhà nước bởi thực tế nhiều cái Chính phủ đưa lên thì QH có giám sát. Nếu Chính phủ không đưa lên cũng không biết đâu mà giám sát.
Anh Đào - Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.