Sáng 26.10, Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015. ĐB Nguyễn Thị Thủy, Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học (Viện KSND Tối cao) đã có góp ý rất đáng chú ý về quy định xử lý tội phạm ma túy.
Tội phạm ma túy luôn là hiểm họa lớn cho xã hội.
Nói về hiểm họa của ma túy, ĐB Thủy nêu lại vụ án Trần Tuấn Khương (Hà Nội) cách đây 2 năm. Đối tượng này khi đi trông chị gái đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn, do sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác đã có hành vi dùng dao cắt chân chị. Vụ án Đỗ Đức Mạnh Hùng (Nam Định) sát hại cả bố, mẹ khi ngáo đá. Gần đây nhất là vụ thảm án ở Quảng Ninh, đối tượng Doãn Trung Dũng trước khi sát hại 4 bà cháu cũng sử dụng ma túy.
ĐB Thủy cho hay, theo số liệu thống kê của Bộ Công an thì số lượng người nghiện ma tuý ở nước ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Cuối 2011, cả nước có trên 158.000 người nghiện ma tuý thì cuối năm nay, con số này là trên 202.000 người nghiện ma tuý. "Như vậy, sau 5 năm, cả nước tăng thêm hơn 44.000 người nghiện ma tuý mới. Và cứ có thêm một người nghiện ma tuý là có thêm một gia đình bất hạnh, một mối lo toàn xã hội" - ĐB Thủy nói.
ĐB Thủy cho biết thêm, quá trình giải quyết các vụ án ma tuý thời gian vừa qua nảy sinh nhiều quan điểm và theo đó là nhiều cách áp dụng khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, sau khi thu giữ được một vật nghi là bánh ma tuý, chỉ giám định xác định bánh đó có phải là bánh ma tuý hay không và nếu đúng thì lấy toàn bộ nhân ra cân, ra lạng để xử lý .
Loại quan điểm thứ hai cho rằng, không chỉ giám định bánh đó có phải là bánh ma tuý hay không mà còn phải giám định xác định có bao nhiêu hàm lượng ma tuý tinh chất chứa trong bánh ma tuý này và rút hàm lượng ma tuý tinh nhân ra cân ra lạng để xử lý.
ĐB Thủy cho rằng, nếu bắt buộc phải giám định để xác định hàm lượng ma tuý tinh chất là không phù hợp và chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Nữ ĐB này phân tích:
Thứ nhất, quy định như dự thảo không bảo đảm tính thống nhất về Luật. Thứ hai, quy định như trong dự thảo luật không bảo đảm tính công bằng trong xử lý giữa vụ án thu được và vụ án không thu được ma tuý. "Hiện nay số vụ án không thu được ma tuý ở nước ta chiếm khoảng trên 20% tổng số án ma tuý thụ lý.
Mặc dù không thu được ma tuý, nhưng qua quá trình đấu tranh với đối tượng, quá trình khai thác chứng cứ, qua khai thác các đồng phạm khác, các cơ quan tố tụng vẫn có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng và xử lý theo các điều khoảng tương ứng của Bộ luật hình sự. Nếu quy định như trong dự thảo thì tới đây áp dụng 2 cách tính. Với vụ án không thu được ma tuý thì sẽ tính theo khối lượng ma tuý đối tượng khai nhận. Đối với vụ án thu được ma tuý thì tính theo hàm lượng ma tuý tinh chất rút ra từ ma tuý thu giữ được. Đây là mâu thuẫn lớn nhất mà đến thời điểm hiện nay dự thảo luật chưa tính tới" - ĐB Thủy bày tỏ.
ĐB Thủy nhấn mạnh, qua kinh nghiệm của các nước mà bà đã tiếp cận, nghiên cứu thì thấy các nước đều quy định rõ không tính theo hàm lượng ma tuý tinh chất. "Về quan điểm cá nhân tôi lựa chọn như quy định của luật các nước, không tính theo hàm lượng tinh chất ma tuý mới là phù hợp" - ĐB Thủy nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.