Đó là thông tin tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Kỳ họp Quốc hội này sẽ khai mạc ngày 20.5, dự kiến bế mạc ngày 26.6. Như vậy, Quốc hội sẽ làm việc hơn 1 tháng.
Bà Châu Thị Thu Nga.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, như Luật Tổ chức Chính phủ: Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)...
Quốc hội cũng thảo luận cho ý kiến 15 dự án luật khác. Trong số này có các dự luật đáng chú ý như: Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật An toàn thông tin, Luật Trưng cầu ý dân...
Về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm: Bà Châu Thị Thu Nga là đại biểu tự ứng cử. Vừa qua, bà có nhiều vi phạm pháp luật. Đây là sự việc rất đáng tiếc. Thời điểm bà Nga bị khởi tố, bắt tạm giam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạm đình chỉ nghĩa vụ đại biểu của bà Nga để cơ quan điều tra tiến hành làm việc. Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức. Quốc hội đã nhận được đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân và Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nga nên tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ đưa vấn đề này ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Trước đó - chiều 16.5, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị bất thường thông qua nghị quyết đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga. Các thành viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, mặc dù đến nay bà Châu Thị Thu Nga chưa bị tòa tuyên án, nghĩa là chưa có tội, song việc xem xét, đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà được đưa ra trên cơ sở Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội. Hầu hết ý kiến cho rằng, bà Nga đã mất uy tín trong nhân dân nên có đầy đủ cơ sở để đưa ra Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu.
Một điểm mới tại kỳ họp Quốc hội lần này là Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, T.Ư Đảng muốn văn kiện này xin được ý kiến toàn dân để tiếp thu được tinh hoa, trí tuệ của xã hội. Về phía Quốc hội sẽ bố trí thảo luận tại đoàn về văn kiện của Đảng.
"Đóng góp được nhiều ý kiến càng tốt, T.Ư sẽ lắng nghe, tiếp thu, không có giới hạn gì trong việc thảo luận, góp ý cho văn kiện, vấn đề quan trọng là tiếp thu được trí tuệ toàn dân. Đảng hỏi dân, dân trả lời, tôi cho rằng rất tốt, đây cũng là hoạt động dân chủ" - ông Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.