Quốc hồn quốc tuý

Chủ nhật, ngày 23/01/2011 07:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nước ta xưa vốn thuần nông, chỉ có 4 nghề chính: Ngư, tiều, canh, mục (đánh cá, khai thác gỗ, trồng trọt và chăn nuôi).
Bình luận 0

Xã hội có 4 loại người: Sĩ, nông, công, thương (trí thức, nông dân, công nhân, thương gia). Còn vua chúa là tầng lớp thống trị, cha truyền con nối, cho đến khi bị dòng họ khác lật đổ, lại có “êkíp” lãnh đạo mới.

Bước sang thế kỷ 20, mỗi lần chấn hưng văn hoá, các sĩ phu lại lên tiếng giữ lấy “quốc hồn quốc tuý”, giữ cái hồn nước, cái tinh tuý văn hoá dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên thế giới từ ông da đỏ châu Mỹ, ông Xịt cốt len mặc váy thổi kèn bùi, người Mông, người Dao, người Tây Nguyên của VN... còn giữ nhiều nét “quốc hồn quốc tuý” nguyên bản. Các nhà dân tộc học, nhiếp ảnh, làm phim năm nào cũng ngược miền dân tộc tác nghiệp...

Còn người Kinh có duyên dáng áo dài, trình diễn thời trang, thi ca hát, đàn địch nhưng phần nhiều là nhái mẫu thế giới, môđiphê theo thời thượng, không phải là quốc hồn quốc tuý, trừ các di sản phi vật thể như quan họ, hát xẩm, bài chòi, kể cả nhã nhạc cung đình Huế, tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử là của ta, truyền từ đời trước đến nay. Nhưng truyền thống ấy ít công chúng lắm!

Có lẽ người Kinh bị mai một “quốc hồn quốc tuý” nên gần đây đang có chủ trương “bình chọn” quốc hoa, quốc phục, cả quốc tửu nữa. Trong 54 dân tộc Việt Nam, 53 dân tộc thiểu số chắc chắn bà con không cần bình chọn, mọi tinh hoa, tinh tuý vẫn được giữ gìn bền vững đến bây giờ, lại có hệ thống bảo tàng dân tộc học, làng văn hoá các dân tộc VN trưng bày để du khách thưởng thức.

Vậy những quốc hoa, quốc phục, quốc tửu nếu có bình chọn cũng chỉ nên khuôn lại trong khu vực người Kinh. Chắc chắn đồng bào các dân tộc VN sẽ không theo mốt Kinh. Theo làm gì khi bà con đã bảo tồn giữ gìn cái của mình, trong khi chỉ riêng hoa đã có bác chọn hoa sen, bác chọn hoa đào, bác chọn cả hoa mào gà...? Bộ comple (bộ cũ) mặc như lễ phục quốc gia đã tương đối ổn. Đó là “quốc phục” thời hội nhập. Còn bộ nguyên thủ APEC chỉ là một kỷ niệm một lần tới VN, chắc chả ai, kể cả ta muốn mặc lần thứ hai.

Hoa sen nước nào ở châu Á cũng nhiều, ta “nhận” là quốc hoa cũng chẳng ai phản đối. Còn rượu gạo (rượu ngang, rượu quốc lủi, “nước mắt quê hương”) thì ngày nào ta chả uống. Rượu uống theo “gu”, ai thích gì chọn nấy. “Quốc hồn quốc tuý” khác với “VN ai - đồ”, một trò chơi âm nhạc do khán giả chọn ra theo mùa vụ. Dân nhậu thịt chó (cầy tơ, hươu thềm) vẫn rủ nhau giữ gìn “quốc hồn quốc tuý” ẩm thực, cũng chẳng sao, chỉ từ vui trở lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem