Reuters dẫn phát biểu Thủ tướng Qatar Al-Thani tại cuộc họp ở thủ đô Rome (Italia) ngày 5.5 cho biết, nước này sẽ đóng góp 400-500 triệu USD, trong khi Kuwait cam kết ủng hộ 180 triệu USD vào quỹ đặc biệt này. Ngoại trưởng Italia F.Frattini cho biết, các nước tham gia hội nghị đã cam kết một khoản viện trợ nhân đạo 250 triệu USD cho Libya...
|
Nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya. |
Theo Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe, quỹ mang tên "Cơ chế tài chính tạm thời" sẽ do Pháp và Italia thay nhau điều phối và thời gian đầu sẽ hoạt động nhờ nguồn tài chính từ các nước tham gia Nhóm tiếp xúc quốc tế đóng góp. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý, song ông Juppe tin rằng quỹ đặc biệt này có thể hoạt động bằng cả nguồn tài chính lấy từ tài sản của Libya ở nước ngoài bị phong tỏa.
Theo báo cáo, hiện Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang phong tỏa số tài sản trị giá 60 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng và đầu tư của Chính phủ Libya ở nước ngoài. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton nói rằng, "Mỹ sẽ xem xét các luật cho phép nước này dỡ bỏ phong tỏa một phần các tài sản của ông Gadhafi và của Chính phủ Libya tại Mỹ", qua đó có thể thành lập một số quỹ để trợ giúp nhân dân Libya.
Hiện có khoảng 30 tỷ USD tài sản của Libya tại Mỹ bị Mỹ phong tỏa. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cũng khẳng định, bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào cho lực lượng chống đối cũng đều không được dùng để mua vũ khí.
Bên cạnh quyết định hỗ trợ tài chính kể trên, Nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya cũng thỏa thuận tiếp tục tăng cường sức ép về quân sự, chính trị và kinh tế đối với ông Gadhafi, đồng thời thúc đẩy một lệnh ngừng bắn tại Libya để chuẩn bị cho một quá trình "chuyển giao chính trị".
Trong khi đó, Chính phủ Libya đã phản đối quyết liệt việc Mỹ xem xét dỡ bỏ phong tỏa một phần tài sản của Chính phủ Libya, vì cho rằng Washington sẽ dùng số tiền đó để vũ trang cho phe nổi dậy. Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Libya, ông Khaled Kaim cảnh báo, việc trao tài sản của Chính phủ Libya cho quân nổi dậy sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ và xung đột ở Libya.
Tính đến nay, Mỹ đã cam kết 53 triệu USD viện trợ nhân đạo và thông qua 25 triệu USD hỗ trợ không bao gồm vũ khí sát thương cho lực lượng nổi dậy, chủ yếu dưới dạng hiện vật như thiết bị y tế, quần áo, giày, lều bạt…
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.