Quốc tế nói gì về vaccine dịch tả lợn châu Phi "made in Việt Nam"?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 18/07/2023 10:29 AM (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Dominicana đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan bày tỏ sự cảm ơn Chính phủ, Bộ NNPTNT đã cử đoàn công tác hỗ trợ Dominicana trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi, trong khi Philippines sẵn sàng nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam
Bình luận 0

Cộng hòa Dominicana gửi thư cảm ơn Chính phủ, Bộ NNPTNT Việt Nam vì hỗ trợ tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi

Đại sứ quán Cộng hòa Dominicana đã chuyển tiếp Công thư số MARD-2023-23905 do Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hòa Dominicana Limber Cruz ký và đóng dấu gửi đến Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, là lời cảm ơn chính thức gửi tới Chính phủ, Bộ NNPTNT Việt Nam đã cử đoàn công tác hỗ trợ Dominicana trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đồng thời hợp tác về vaccine dịch tả lợn châu Phi trong tháng 5 - 6/2023.

Quốc tế nói gì về vaccine dịch tả lợn châu Phi "made in Việt Nam"? - Ảnh 1.

Thư cảm ơn của Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hòa Dominicana Limber Cruz gửi đến Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan.

Trong thư, Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hòa Dominicana viết: 

"Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Dominicana chân thành cảm ơn sự hợp tác của Chính phủ, Bộ NNNPTNT Việt Nam thông qua việc cử đoàn công tac gồm các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, cán bộ chuyên trách tới đất nước chúng tôi để triển khai chương trình tiêm phòng và hướng dẫn phòng chống dịch tả lợn châu Phi. 

Nhờ có sự hợp tác chặt chẽ, đoàn công tác liên bộ giữa hai nước đã xây dựng và triển khai một chương trình làm việc hiệu quả, trong đó bao gồm các cuộc họp kỹ thuật chia sẻ và trao đổi thông tin, hướng dẫn kỹ thuật, làm việc thực địa tại các trang trại lợn để tiến hành tiêm vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi; phát triển quy trình giám sát, theo dõi sau tiêm chủng và tiến hành các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm. 

Quốc tế nói gì về vaccine dịch tả lợn châu Phi "made in Việt Nam"? - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đến Cộng hòa Dominicana triển khai chương trình tiêm phòng và hướng dẫn phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: NAVETCO.

Đồng hành với đoàn công tác của Việt Nam là đội ngũ cán bộ kỹ thuật và các cán bộ chuyên trách của Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Dominicana cũng như Đại sứ quán tại Việt Nam. 

Chúng tôi ghi nhận sự giúp đỡ quý báu này và đánh giá cao kế hoạch của đoàn công tác Việt Nam, bao gồm các cán bộ của Cục Thú y và Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương (NAVETCO), từ đạt đạt được kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào việc sản xuất lợn thịt tại Cộng hòa Dominicana.

Chúng tôi mong muốn Việt Nam tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với Cộng hòa Dominicana trong việc đưa ra những sáng kiến, góp phần hiệu quả vào công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới". 

Philippines sẵn sàng nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam

Trong khi đó, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp Philippines cũng khuyến cáo người dân dùng vaccine dịch tả lợn Châu Phi do Việt Nam sản xuất trước tình hình dịch bệnh phức tạp.

Trong cuộc họp báo tại văn phòng chính của Bộ Nông nghiệp Philippines tại thành phố Quezon, trợ lý giám đốc Cục Thú y Arlene Vytiaco cho biết, cơ quan gấp rút giải quyết các vấn đề liên quan đến vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF do Việt Nam sản xuất.

“Chúng tôi đã chuẩn bị thư xác nhận gửi FDA về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm vì vaccine thuộc thẩm quyền của cơ quan này. Sau khi FDA cấp giấy chứng nhận đăng ký sản xuất vaccine, nhà cung cấp Philippines sẽ được phép nhập khẩu vaccine từ Việt Nam”, bà Vytiaco cho biết.

Bà Vytiaco cho biết thêm: “Các thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả ở Luzon cho thấy những con lợn được tiêm đã tạo ra 100% kháng thể và không có tác dụng phụ đối với vật nuôi".

Giới chức thú y Philippines kỳ vọng FDA sẽ ban hành giấy CPR vì nhiều khu vực của nước này cũng đang chờ nguồn cung cấp vaccine.

Kiến nghị cho phép sử dụng rộng rãi vaccine dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam (bên phải) kiểm tra tình hình tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi tại trang trại của các hộ dân xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: K.N

"Các chuyên gia Mỹ đánh giá cao quá trình nghiên cứu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi thương mại tại Việt Nam, đảm bảo đúng yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới"

Ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y

Trước đó, Cục Thú y Philippines đã công bố kết quả thành công 100% khi thử nghiệm vacxin AVAC ASF LIVE tại 6 trang trại ở Luzon. Bà Vytiaco cho biết: “Sau 21 ngày thử nghiệm trên thực địa, 100% số lợn được tiêm phòng đã tạo ra kháng thể chống lại dịch tả lợn Châu Phi, điều đó có nghĩa là chúng sẽ được bảo vệ khỏi dịch này”.

Cục Thú y Philippines cho biết, hiện đơn vị mới chỉ được cấp hạn ngạch 600.000 liều cho năm 2023. Đó là lý do tại sao cơ quan này đang cố gắng đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm vì nhiều quốc gia cũng đang chờ vaccine.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp đánh giá kết quả giám sát chất lượng và sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của NAVETCO và AVAC do Cục Thú y (Bộ NNPTNT) tổ chức hôm 15/7, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đến thời điểm này, việc tiêm phòng thí điểm 600.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi trên diện hẹp của 2 Công ty CP NAVETCO và Công ty CP AVAC Việt Nam đã cho kết quả khả quan.

Theo đó, từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, NAVETCO đã cung ứng và phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát triển khai tiêm vaccine NAVET ASFVAC trên 7 quy mô đàn khác nhau từ 50 lợn/hộ đến 2.000 lợn/trại tại 132 cơ sở thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng số liều tiêm là 47.435 liều, trong đó tiêm có giám sát là 29.685 liều.

TS Nguyễn Xuân Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty NAVETCO cho biết, số lượng lợn có phản ứng sau khi tiêm một mũi và 2 mũi được ghi nhận là 219 con (chiếm 0,5%), trong đó có 42 lợn phải loại thải (chiếm 0,1%). Biểu hiện của phản ứng thường gặp sau 2 - 4 ngày tiêm vaccine với một số triệu chứng như sốt nhẹ, giảm ăn, ho hoặc tiêu chảy, sau đó lợn trở lại trạng thái bình thường. Kết quả kiểm tra kháng thể sau tiêm đạt 85,5% đối với mũi 1 và 97,4% đối với mũi 2; tỷ lệ trung bình cả 2 mũi đạt 95,5%.

Đối với Công ty CP AVAC Việt Nam, từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023, Công ty AVAC đã triển khai tiêm phòng được 605.211 liều vaccine lợn thịt thuộc 596 trang trại, cơ sở có quy mô khác nhau tại tổng số 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, tiêm có giám sát tại các cơ sở chăn nuôi có quy mô dưới 5.000 lợn thịt được thực hiện tại 14 trại thuộc 5 tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Tháp và An Giang. Tiêm không giám sát tại các cơ sở chăn nuôi có quy mô dưới 5.000 lợn thịt tại 37 cơ sở chăn nuôi thuộc 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Nam Định, Tuyên Quang và Bắc Ninh.

Đặc biệt, được sự cho phép cụa Cục Thú y, Công ty CP AVAC Việt Nam và Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam sử dụng vaccine AVAC ASF LIVE tại các trang trại nội bộ của CP trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố. Tính đến cuối tháng 1/2023, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đã triển khai tiêm phòng được tổng cộng 600.544 liều vaccine AVAC ASF LIVE cho lợn tại 545 trại chăn nuôi thuộc 32 tỉnh thành.

"Đến thời điểm hiện tại, tổng số liều vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE đã được triển khai tiêm phòng trên thực địa đạt 100,9% so với kế hoạch. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và Chi cục Thú y vùng VI cho thấy, lợn được tiêm vaccine có tỷ lệ kháng thể đạt 94,4%; lợn khỏe mạnh, phát triển bình thường, không phát hiện biểu hiện bất thường liên quan đến vaccine kể từ khi tiêm phòng cho đến lúc xuất bán" - TS Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem