Khi mạch nước ngầm được “bảo vệ”
Lãnh đạo Quỹ BVPTR Quảng Nam cho biết, từ năm 2019, nhà máy sản xuất công nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nước mặt hoặc nước ngầm đều phải có trách nhiệm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Đây được xem là nguồn tài chính bền vững phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng thời nâng cao trách nhiệm đối với công tác BVPTR của những tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ rừng và các cộng đồng dân cư sinh sống tại các địa phương.
Đại diện Quỹ BVPTR Quảng Nam và kiểm lâm kiểm tra tình hình rừng trên địa bàn. Ảnh: T.H
"Từ các nguồn theo dõi biến động rừng, kiểm lâm địa bàn đề xuất UBND xã tổ chức đi kiểm tra, xác minh ở hiện trường với diện tích có biến động, kết hợp tuần tra bảo vệ rừng. Các bên liên quan phải xây dựng được bản đồ chi trả, xác định được diện tích chi trả DVMTR”.
ông Huỳnh Đức
|
Chẳng hạn như nhà máy sản xuất gạch thuộc Công ty TNHH Prime Đại Lộc thuộc Cụm công nghiệp Đại Quang (huyện Đại Lộc), theo giấy phép đăng ký khai thác nước được cơ quan có thẩm quyền cấp, sử dụng 375m3 nước mặt lẫn nước ngầm/ngày đêm. Sau một thời gian thực hiện thí điểm, đến nay nhà máy này chính thức chi trả DVMTR theo đơn giá quy định.
Tương tự, Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn hầu như lấy toàn bộ nguồn nước mặt từ sông Thu Bồn phục vụ cho quy trình làm mát thiết bị máy của dây chuyền sản xuất và nước cho mục đích sinh hoạt.
Theo giấy phép khai thác nguồn nước mặt do Sở TNMT tỉnh cấp, các nhà máy này khai thác hơn 171.000m3 nước/ngày đêm. Nguồn nước lấy từ sông đưa vào làm mát động cơ máy trong dây chuyền sản xuất, sau đó cho chảy trực tiếp ra sông bằng hệ thống đường ống xây dựng riêng, chỉ giữ lại cho nhà máy một khối lượng nước ít ỏi.
“Với đơn giá doanh nghiệp đề xuất 40 đồng/m3, thì ước tính mỗi năm công ty bỏ ra từ 2 - 3 tỷ đồng chi phí DVMTR. Tuy nhiên, công ty sẵn sàng hợp tác với Quỹ BVPTR Quảng Nam thống nhất cách tính toán dựa vào việc sử dụng nguồn nước thực tế của nhà máy chứ không theo con số đã đăng ký trong giấy phép khai thác (hiện công suất sử dụng nước của nhà máy chỉ hơn một nửa so với con số ghi trong giấy phép)” - một đại diện công ty cho biết.
Từ năm 2012 đến nay, Quỹ BVPTR Quảng Nam đã ký kết hợp đồng, thu ủy thác tiền DVMTR đối với 34 cơ sở sử dụng DVMTR (trong đó có 26 cơ sở sản xuất thủy điện, 7 cơ sở sản xuất cung ứng nước sinh hoạt và 1 cơ sở kinh doanh du lịch). Ngày 10/5/2019, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1351 phê duyệt danh sách 44 cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh.
Theo Quỹ BVPTR Quảng Nam, UBND tỉnh phê duyệt danh sách cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh là 44 đơn vị với tổng sản lượng nước sử dụng theo giấy phép đăng ký gần 193.000m3/ngày đêm. Trong đó, cơ sở sử dụng nguồn nước mặt 7 đơn vị với công suất khai thác 183.600m3 nước/ngày đêm; cơ sở sử dụng nguồn nước ngầm 37 đơn vị với hơn 9.000m3/ngày đêm. Đến nay, Quỹ BVPTR Quảng Nam đã tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 42/44 cơ sở.
“Để chính sách áp dụng đồng loạt trên địa bàn tỉnh, năm qua đơn vị đã triển khai thí điểm với một vài cơ sở sản xuất công nghiệp có khai thác nguồn nước lớn. Tuy vậy, qua kiểm tra, tổng lượng nước khai thác thực tế được các cơ sở theo dõi qua công suất máy bơm, bể chứa, hoặc đồng hồ đo nước thường thấp hơn lượng nước ghi trong giấy phép khai thác. Lúng túng của ngành chức năng hiện nay là lượng hóa được cơ sở nào gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, tiêu chí xác định” - lãnh đạo Quỹ BVPTR Quảng Nam cho biết.
Bảo vệ lá phổi xanh cho rừng
Bên cạnh việc sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR, việc giám sát chi trả DVMTR thời gian qua cũng được quản lý chặt chẽ; xác định các ngành chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng có vai trò gì để những diện tích đã giao khoán được quản lý, bảo vệ hiệu quả.
Theo đại diện Quỹ BVPTR Quảng Nam, liên quan đến chính sách chi trả DVMTR, đến nay Chính phủ đã ban hành 3 nghị định. Mới đây nhất là Nghị định số 156 ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Còn theo quyết định của UBND tỉnh, năm 2019, tổng diện tích rừng được chi trả DVMTR là 289.632ha, theo kế hoạch được duyệt là 120 tỷ đồng cho 12 đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước, 17 UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.
Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ BVPTR Quảng Nam cho biết, Nghị định số 156 quy định rõ mức chi trả DVMTR như sau: Đối với cơ sở sản xuất thủy điện, mức chi trả là 36 đồng/kWh điện thương phẩm; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là 52 đồng/m3; cơ sở sản xuất nông nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước chi 50 đồng/m3. Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, chi tối thiểu bằng 1% trên tổng doanh thu trong kỳ. Đối với doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản, mức chi tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu trong kỳ.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Quỹ BVPTR xác định, hạt kiểm lâm huyện cập nhật diễn biến rừng trên máy tính bằng phần mềm FRMS và đồng bộ dữ liệu trên hệ thống theo quy định. Theo lộ trình, đến hết quý III/2019, các chủ rừng tổng hợp báo cáo diễn biến rừng từ đầu năm, đồng thời chủ rừng phối hợp với hạt kiểm lâm huyện kiểm tra lại dữ liệu cập nhật có đúng với dữ liệu báo cáo thông tin biến động rừng đã báo cáo nhằm tránh sai sót trong quá trình cập nhật lên hệ thống phần mềm.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho chính quyền các xã quản lý rừng chi trả tiền DVMTR. Cụ thể, các xã lưu vực thủy điện Sông Tranh 3 gồm Trà Đốc, Trà Giác, Trà Giáp, Trà Giang, Trà Nú, Trà Sơn, Trà Tân, thị trấn Trà My (Bắc Trà My), các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (Tiên Phước), xã Phước Gia (Hiệp Đức), xã Duy Sơn (Duy Xuyên), các xã Đại Sơn, Đại Đồng, Đại Quang, Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.