Quy định phải đảm bảo phòng và ngăn chặn dịch bệnh

Ngọc Lương (ghi) Thứ hai, ngày 01/12/2014 07:03 AM (GMT+7)
Dự thảo Luật Thú y lần đầu được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 khóa XIII. Dự thảo luật này sẽ còn tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp sau. NTNN xin lược ghi một đóng góp đáng chú ý của các đại biểu Quốc hội.
Bình luận 0

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng dự thảo luật chưa đánh giá đúng sự nguy hiểm của dịch bệnh. “Một số bệnh lây từ động vật sang người rất nguy hiểm có nguy cơ lây truyền thành dịch rất lớn, tỷ lệ tử vong cao. Trong dự thảo luật chỉ nêu duy nhất tại Điều 19 về chương trình khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, giữa động vật và người gồm 3 khoản, diễn đạt chưa hết 1/2 trang giấy. Quan niệm như vậy là chưa coi trọng đúng mức sự nguy hiểm của dịch bệnh lây từ động vật sang người”- ông Thắng nói.

Theo ông, cần bổ sung các nội dung như giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, khả năng nhận biết và biện pháp phòng, tránh dịch bệnh lây từ động vật sang người ở cấp cộng đồng. Tăng cường hợp tác giữa hai ngành thú y và y tế trong phòng chống dịch bệnh.

Về cấp thông báo dịch, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng cấp xã chỉ nên thông báo dịch; “cấp xã có nhiều hạn chế về điều kiện năng lực của cán bộ thú y, nên khó có thể chẩn đoán, xác định tác nhân gây bệnh trước khi công bố”. Nếu việc công bố bệnh không chính xác hoặc không phù hợp có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế. Trong khi đó, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) thì lại cho rằng cần có chế tài và giao trách nhiệm cho cấp xã trong việc thông báo dịch để kiểm soát hiện tượng giấu dịch bệnh.

Ngoài ra, theo ĐB Minh, quy định trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ NNPTNT là quyết định công bố thông tin về dịch bệnh động vật trong nước như dự thảo luật là chưa đủ, cần nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của bộ trưởng về việc công bố dịch bệnh trong nước, quy định cụ thể, điều kiện nào thì công bố dịch, khi nào thì thông tin dịch.

ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) thì cho rằng cần quan tâm cán bộ thú y cấp xã. “Người làm công tác thú y cấp xã phải thường xuyên xuống tận hộ chăn nuôi để kiểm tra, theo dõi dịch bệnh, đi lại rất nhiều và tiếp xúc với dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh lây cả sang người, mà chỉ được hưởng phụ cấp rất thấp từ 500.000 - 1.050.000 đồng/tháng. Tôi đề nghị Nhà nước cần có chính sách quan tâm tới lực lượng thú y xã để họ yên tâm với nghề, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương có hiệu quả hơn”- bà Nga trăn trở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem