Quy định thu hồi đất chưa rõ ràng, chặt chẽ

Thứ tư, ngày 06/11/2013 07:09 AM (GMT+7)
Cần có sự chặt chẽ, rõ ràng và bảo đảm hiệu quả cao về quản lý, sử dụng đất đai là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngày 5.11.
Bình luận 0
Cần hiến định chặt chẽ việc thu hồi đất

Đi thẳng vào vấn đề nóng nhất, đại biểu (ĐB) tỉnh Gia Lai Trần Đình Thu cho biết: Hiện nay, vấn đề thu hồi đất đai còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là ý kiến của cử tri, và chưa có tính ổn định. Nguyên nhân do đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của người dân. Từ đó, khi không có sự thống nhất trong công tác thu hồi đất đã nảy sinh nhiều sự việc gây bức xúc cho người dân.

“Tôi thấy đất đai là tài nguyên đặc biệt, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân và phải được hiến định rất chặt chẽ. Chỉ khi thật cần thiết mới thu hồi, tránh lạm dụng thu hồi tràn lan, vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” - ĐB Thu đề nghị.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận ngày 5.11
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận ngày 5.11

Đồng tình với quan điểm thu hồi đất là nguyên nhân chính phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp kéo dài, ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) bày tỏ: Đơn thư khiếu nại, tố cáo có tới 70-75% là về lĩnh vực đất đai, đặc biệt việc thu hồi đất, giá đất, tái định cư, công ăn, việc làm sau khi bị thu hồi đất.

Do vậy, tôi tán thành phải quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp. Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế- xã hội để giảm thiệt thòi cho người dân khi bị thu hồi”.

ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) nhận định: “Quy định về thu hồi đất chưa rõ ràng và chặt chẽ. Cần xác định rõ phát triển kinh tế phục vụ mục đích gì và của ai? Cần quan niệm rõ giữa chuyển dịch đất đai bắt buộc và tự nguyện”. Ngoài ý kiến là Nhà nước cần có quy định cụ thể về chuyển nhượng đất đai, ĐB Cư cũng đề nghị bổ sung vào Hiến pháp nguyên tắc bảo đảm công bằng dựa trên lợi ích của người dân khi thu hồi đất.

Phải tạo động lực để vượt qua tụt hậu

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khẳng định: “Trong những kỳ họp qua, chúng ta đã bàn nhiều về giải pháp cho tình hình chung của đất nước. Không ít ý kiến cho rằng, nếu không có những giải pháp toàn diện và đột phá thì tình hình đất nước không thể chuyển biến tích cực một cách căn bản. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân là công cuộc đổi mới thể chế và luật pháp đã chậm bước so với nhu cầu của đất nước”.

“Nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này không đạt được yêu cầu đó thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đưa công cuộc đổi mới lên một tầm cao mới”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa

ĐB Nghĩa nhấn mạnh: “Tôi nhận thức rằng, sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII đã làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc”.

Sau đó, ông Nghĩa cho biết: Không ít ý kiến cử tri cho rằng, Hiến pháp sửa đổi là giải pháp cho mọi giải pháp. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này không đạt được yêu cầu đó thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đưa công cuộc đổi mới lên một tầm cao mới, tạo động lực cho đất nước vượt qua nguy cơ tụt hậu”.

Xung quanh vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhiều ĐB khẳng định, đây là điểm mới, mang tính tiến bộ của dự thảo Hiến pháp. Tuy vậy, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng: Nội dung này cần được quy định cụ thể hơn nữa tại những điều luật liên quan khác.

Sẽ có nghị định riêng về giá đất

Trả lời báo chí sáng 5.11, Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang khẳng định: Về giá đất, lần này Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định chặt chẽ hơn. Để triển khai luật lần này sẽ có thêm 5 nghị định, trong đó có một nghị định riêng về giá đất. Cho nên giá đất cũng sẽ có thay đổi, làm chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo lợi ích của người dân.

Trước đây chúng ta hay nói giá đất phải theo thị trường, nhưng thị trường đó là thị trường trong điều kiện bình thường. Vừa rồi thị trường của chúng ta là thị trường ảo nhiều hơn, thị trường đầu cơ thì không thể nói giá như thế được. Nhiều người nói là giá đất của chúng ta quá thấp, nhưng thực chất giá có phải như thế đâu.

Giá ảo nhiều, các nhà đầu tư vay tiền ngân hàng mua đất rồi để đấy, tính cả lãi suất vay vào đó, thế nên giá cao. Ta nói giá đất là phải trong điều kiện bình thường.

Long Nguyên (Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem