Quy hoạch Hà Nội bị "băm nát": Có sự can thiệp để điều chỉnh?

Vinh Hải Thứ tư, ngày 11/01/2017 14:22 PM (GMT+7)
“Tôi cho rằng có dấu hiệu của sự can thiệp điều chỉnh quy hoạch. Điều này thể hiện ở việc điều chỉnh quy hoạch không tuân thủ theo quy định, trình tự và chưa nâng cao vai trò của các chuyên gia, cộng đồng dân cư. Nếu thực hiện theo đúng trình tự, quy định và lấy ý kiến từ các nhà chuyên môn cho tới người dân, sẽ không có chuyện đó”.
Bình luận 0

KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội đã trao đổi cùng Dân Việt về vấn đề quy hoạch Thủ đô có bị “băm nát” hay không.

img

KTS Đào Ngọc Nghiêm

Bài học về nhồi nhà cao tầng

Theo ông, hiện nay Hà Nội đang triển khai xây dựng, phát triển đô thị có gì khác so với quy hoạch đã được phê duyệt hay không? Nếu có, nguyên nhân là từ đâu?

- Sau khi mở rộng địa giới Thủ đô năm 2008, quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011. Sau 5 năm, Hà Nội cơ bản hoàn thành việc cụ thể hóa quy hoạch chung, tức là triển khai xong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung huyện, thị xã, thị trấn. Về đô thị vệ tinh mới được 4/5 đô thị, đô thị sinh thái chưa nhiều, đặc biệt thiết kế đô thị chưa tập trung.

Để xem xét, đánh giá về quy hoạch, chúng ta phải phân biệt rõ: Chất lượng quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Nhận xét chung về quy hoạch, ngay tại báo cáo trong Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đầu năm 2016 đã xác định quy hoạch được chú trọng, có chuyển biến tốt. Hạn chế ở đây là quy hoạch, quản lý phát triển một số lĩnh vực, ngành chưa được đáp ứng yêu cầu. Đô thị hóa nhanh, quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém, công tác giải phóng mặt bằng, di dời cơ sở không thích hợp ra khỏi nội đô còn chậm. 

Thưa ông, có cách nào để giải quyết những vấn đề nêu trên hay không?

- Để giải quyết cần phải rà soát lại các dự án, ví dụ như các công trình cao tầng, đến thời điểm mở rộng Thủ đô đã có gần 270 công trình cao tầng. Khi đã có quy hoạch chung, quy hoạch cụ thể chúng ta phải rà soát, điều chỉnh lại nhưng mãi đến gần đây chúng ta mới có quy hoạch cụ thể. Do rà soát chậm nên thực trạng xây dựng hiện nay lộn xộn, có hiện tượng trên một khu vực xuất hiện tình trạng chưa đồng bộ giữa nhà cao tầng với hạ tầng khu vực xung quanh.

Việc đầu tư các khu đô thị mới chưa kiểm soát chặt chẽ quy mô xây dựng với tiến độ thực hiện, chưa có mục tiêu từng giai đoạn nên mới có hiện tượng các chủ đầu tư chú trọng đến lợi ích của mình, chỉ xây dựng phần thu lời mà chưa gắn kết với khu vực, chưa chú trọng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Còn về phía Nhà nước, cũng chưa tạo ra các khu vực ưu tiên phát triển để từ đó tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đi trước.

img

Hạ tầng giao thông khu Linh Đàm đang quá tải, ngộp thở do có nhiều khu nhà cao tầng. Ảnh minh họa: I.T

Bài học nhồi nhà cao tầng vào nội đô như vừa qua là chưa gắn kế hoạch với quy hoạch, chưa gắn trách nhiệm chủ đầu tư với lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng dân cư. Vấn đề cơ bản của quy hoạch Hà Nội là vẫn bị đô thị nén, bị quá tải về dân cư, chưa có chế tài giãn dân nội đô lịch sử, thu hút dân cư vào khu đô thị phát triển mới. Đó là bài học kinh nghiệm cần phải quan tâm.

Bài học trên đã nhìn được từ lâu, nhưng theo ông tại sao hiện nay Hà Nội vẫn tiến hành nhồi cao ốc vào nội đô trong khi dân số chưa giảm, chưa phân bố lại như quy hoạch chung đã xác định?

- Chúng ta vướng mắc ở đâu? Trước hết là ở sự đồng bộ về hệ thống cơ sở pháp lý. Trong Luật Thủ đô, Hà Nội có quy định về quản lý dân số, HDND cũng có Nghị quyết về quản lý dân số. Nhưng do mối quan hệ giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận, đó là quan hệ vùng, lợi thế so sánh nên chưa giảm dân cư di cư tự do về Hà Nội, lao động thời vụ rất nhiều nên đây là bài học không chỉ trông chờ vào sự cố gắng của Hà Nội mà phải đẩy mạng phát triển kinh tế của cả vùng, cần có bộ máy quản lý phát triển vùng.

Tình trạng xây dựng “xôi đỗ”

Nói về trường hợp cụ thể, cách đây 10 năm Linh Đàm là khu đô thị kiểu mẫu, nhưng khi thực hiện cụ thể người ta xây dựng hàng loạt nhà cao 40 tầng tạo nên áp lực rất lớn cho khu vực?

- Khi làm khu đô thị Linh Đàm kiểu mẫu, chúng ta có định hướng phát triển giao thông liên kết khu vực. Như đi qua khu Linh Đàm phải có tuyến đường trên cao, nhưng đến nay chúng ta chưa có tuyến đường đó. Còn đường sắt phải giải quyết, xây dựng mới các nút kết nối giữa đường trong khu đô thị nhưng vẫn chưa triển khai được. Muốn quản lý được quy hoạch phải quản lý dân số phù hợp với hạ tầng kỹ thuật. Còn ở đây, hạ tầng không làm gì thêm lại tăng dân số nên mới gây ra ách tắc.

Ở đây có thể thấy được sự thiếu đồng bộ giữa kế hoạch của đa ngành với phát triển khu đô thị. Doanh nghiệp chỉ biết phát triển trong khu đô thị của họ thôi mà chưa thấy trách nhiệm với đô thị nói chung.

Khi cơ quan quản lý nhìn thấy tình huống đó, lẽ ra phải có sự điều chỉnh phải không thưa ông?

- Khi xây dựng các khu đô thị phải kiểm soát tiến độ xây dựng, tiến độ này được gắn kết với liên kết hạ tầng kỹ thuật. Khi chưa có hạ tầng liên kết thì phải hạn chế xây dựng nén dân cư vào. Đây là bài học được nhắc từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp quyết liệt trong giám sát xây dựng.

Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng quy hoạch Hà Nội đã bị “băm nát”, ông có đồng tình với quan điểm này không?

- Theo tôi, đây là tình trạng xây dựng “xôi đỗ”, đan xen, chưa phát triển đồng bộ. Quy hoạch ở đây là định hướng và đã có định hướng phù hợp. Vấn đề ở đây là chưa xác định yêu cầu đồng bộ của khu vực hay khu vực cần ưu tiên trọng điểm phát triển.

Trong quy hoạch mới đặt vấn đề giãn dân phân bố dân cư rất cụ thể với xác định nhiều vùng phát triển hơn. Đây là điều thuận lợi, nhưng phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi. Muốn người dân đến sống tại các khu đô thị vệ tinh phải có những chính sách ưu đãi thích hợp để thu hút.

Năm 2011, khi công bố quy hoạch, Thủ tướng đã nói quy hoạch chung của Thủ đô là một sự kiện nhưng quan trọng hơn là thực hiện quy hoạch như thế nào mới là sự kiện lớn.

Vậy thì theo ông, liệu có sự can thiệp của một nhóm lợi ích nào đó để điều chỉnh quy hoạch hay không?

- Tôi cho rằng có dấu hiệu của sự can thiệp điều chỉnh quy hoạch. Điều này thể hiện ở việc điều chỉnh quy hoạch không tuân thủ theo quy định, trình tự và chưa nâng cao vai trò của các chuyên gia, cộng đồng dân cư. Nếu thực hiện theo đúng trình tự, quy định và lấy ý kiến từ các nhà chuyên môn cho tới người dân, sẽ không có chuyện đó.

Ví dụ như ở khu vực Bến xe Kim Mã cũ, sau khi di dời bến xe đã có đơn vị đề xuất xây nhà cao tầng. Nhưng lúc đó, cộng đồng dân cư khi được thông tin về dự án đã có ý kiến phản đối. Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã không cho xây dựng nữa. Hay như ở khu vực Trung Yên, nếu muốn xây dựng nhà cao tầng người dân cũng không nghe.

Như vậy, khi muốn điều chỉnh phải trên cơ sở tuân thủ phân bố dân cư, không được tăng thêm dân cư trong khu vực. Nhưng ở đây, vẫn có chỗ để người ta lách bởi còn thiếu thể chế đồng bộ để quản lý. Cụ thể là anh có quy định về số tầng cao nhưng không nói về hệ số sử dụng đất, không nói về chỉ tiêu sử dụng đất, mật độ xây dựng.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Muốn quản lý được quy hoạch phải quản lý dân số phù hợp với hạ tầng kỹ thuật. Còn ở đây, hạ tầng không làm gì thêm lại tăng dân số nên mới gây ra ách tắc.

Ở đây có thể thấy được sự thiếu đồng bộ giữa kế hoạch của đa ngành với phát triển khu đô thị. Doanh nghiệp chỉ biết phát triển trong khu đô thị của họ thôi mà chưa thấy trách nhiệm với Đô thị nói chung” – KTS Đào Ngọc Nghiêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem