Quy hoạch lại chăn nuôi để chuẩn bị xuất khẩu thịt lợn

Thuận Hải Thứ bảy, ngày 26/09/2015 08:50 AM (GMT+7)
Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P cho biết, doanh nghiệp này đang lập đề án xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Nga và EU.
Bình luận 0

Theo đó, C.P sẽ xây dựng các trang trại chăn nuôi cách ly, sạch bệnh, có vùng đệm để đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng được các tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Theo đề án này, 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Đề án được sự hỗ trợ nhiệt tình của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám và Cục Thú y, Cục Chăn nuôi…

img

Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại Tiền Hải, Thái Bình. Ảnh:   T.L

Cũng theo một đại diện của C.P, bên cạnh Nga và EU, Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vào Nhật còn phải đáp ứng thêm một số các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước này. Theo đó, khi có ký kết xuất khẩu với Nhật, sẽ có các chuyên gia chăn nuôi của Nhật trực tiếp đến “cùng ăn cùng ở” với nông dân Việt Nam tại các trại chăn nuôi, giám sát và hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho trang trại.

Dù vậy, trao đổi với NTNN, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, để có sản phẩm chăn nuôi đủ chuẩn xuất khẩu, Việt Nam phải quy hoạch lại từ đầu ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, việc quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại các địa phương như hiện nay là chưa hợp lý.

Ông Ngô Thanh Hòa – đại diện Công ty CP CJ Việt Nam nói, việc quy hoạch vùng chăn nuôi với các trang trại san sát nhau như hiện nay khiến chăn nuôi trong nước rất khó đạt các tiêu chuẩn của OIE. Hơn nữa, chỉ cần một trại lợn bị nhiễm bệnh thì việc lây lan trong khi chăn nuôi tập trung sẽ rất nhanh chóng, gây ra hậu quả khó lường trước được.

Ngược lại, để chăn nuôi an toàn phải xây dựng các vùng đệm, xen kẽ giữa các trang trại chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận rằng, hiện nay 2/3 số tỉnh, thành trên cả nước đã có quy hoạch vùng chăn nuôi, tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại rất ngại vào đầu tư tại các vùng chăn nuôi tập trung này.

Trong khi đó, việc xây dựng các vùng chăn nuôi theo tiêu chuẩn của các doanh nghiệp lớn, có vùng đệm lại gặp nhiều khó khăn liên quan đến các vấn đề về đất đai, cấp phép sử dụng đất… Do đó, theo ông Trọng, trong nước hiện chưa xây dựng được khu chăn nuôi tập trung có vùng đệm.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng, thay vì xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh như hiện nay, Cục Thú y và Cục Chăn nuôi nên xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung có vùng đệm an toàn như mô hình của các doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới. Cũng theo ông Tám, để lắng nghe, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong việc xây dựng đề án phát triển sản xuất, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, Bộ NNPTNT sẽ thành lập Tổ Công tác xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem