Quy Nhơn sẽ là thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của Việt Nam
Quy Nhơn sẽ là thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của Việt Nam
Dũ Tuấn
Thứ hai, ngày 07/08/2023 16:43 PM (GMT+7)
“10 năm trước, không ai nghĩ Quy Nhơn sẽ đón hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng và các giáo sư đoạt giải Nobel, không ai nghĩ Bình Định sẽ hình thành được Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên của cả nước”, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.
Mảnh đất "hiếu học, trọng nhân nghĩa, yêu mến khoa học và tôn trọng tri thức"
Ngày 7/8, tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), đã diễn ra Hội nghị khoa học quốc tế "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ", nhân kỷ niệm 30 năm Hội Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của Trung tâm ICISE.
Hội nghị khoa học quốc tế "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ" do Trung tâm ICISE, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Theo giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, đây là hội nghị đặc biệt vì nó đánh dấu chặng đường 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của Trung tâm ICISE.
Hội nghị lần này là nơi tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia, cung cấp cho họ cơ hội trình bày các ý tưởng với các nhà khoa học trên thế giới.
"Tôi rất mong trong thời gian tới, Trung tâm ICISE và Việt Nam sẽ tiếp đón thêm rất nhiều nhà khoa học trên thế giới nữa. Và tôi mong các thế hệ trẻ sẽ thêm yêu và đam mê nghiên cứu khoa học để cống hiến cho đất nước phát triển", giáo sư Vân cho hay.
Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nói rằng, Bình Định được biết đến là mảnh đất hiếu học, trọng nhân nghĩa, yêu mến khoa học và tôn trọng tri thức.
Việc xây dựng Bình Định trở thành một điểm đến của các nhà khoa học, luôn được các thế hệ lãnh đạo của tỉnh quan tâm và được coi là hướng đi mới trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Hồ Quốc Dũng cho hay, trên cơ sở các hoạt động của Trung tâm ICISE, để khoa học và công nghệ trở thành một động lực tăng trưởng, Bình Định đang khẩn trương triển khai xây dựng Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa, với mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học - giáo dục đặc trưng của cả nước, khu đô thị này có diện tích khoảng 242ha.
Công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sẽ ra đời tại Bình Định
Hiện nay, đã có các dự án đi vào hoạt động: Dự án Công viên sáng tạo TMA; Dự án Công viên phần mềm của Công ty TNHH Phần mềm FPT; Khu Tổ hợp Không gian khoa học với nhà Mô hình vũ trụ, Trạm quan sát thiên văn phổ thông và Khu thiếu nhi. Trong tương lai, hứa hẹn sẽ có nhiều dự án khoa học và công nghệ tại đây.
"10 năm trước, không ai nghĩ thành phố Quy Nhơn sẽ đón hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng và các giáo sư đoạt giải Nobel; không ai nghĩ Bình Định sẽ hình thành được Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên của cả nước", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định tin tưởng và hy vọng, trong một ngày không xa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị sẽ ra đời từ mảnh đất này, góp phần đưa khoa học nước nhà không ngừng phát triển và biến Quy Nhơn thực sự là điểm đến lý tưởng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Hồ Quốc Dũng gửi lời cảm ơn chân thành đối với những cống hiến, sự đóng góp to lớn và tình cảm của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc và các thành viên Hội Gặp gỡ Việt Nam, đã dành cho Bình Định.
Tại hội nghị, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, sự có mặt của các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là các giáo sư đoạt giải Nobel, cho thấy sự tâm huyết và nhiệt tình của các nhà khoa học quốc tế đối với Việt Nam.
"Tôi hy vọng tại hội nghị này, các nhà khoa học sẽ thảo luận về các vấn đề chuyên môn nhưng đồng thời cũng thảo luận về vấn đề làm sao để khoa học đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế - xã hội. Tôi mong các nhà khoa học quốc tế có thể đưa ra nhiều gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển cho Việt Nam về phát triển và phát triển bền vững", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.