Bà Nguyễn Thị Bích Châu, quê ở huyện Hải Hậu, Nam Định. Bà là con gái đại thần Nguyễn Tướng Công. Vì sinh con muộn nên ngay từ khi mới được sinh ra, bà được cha mẹ nâng niu đặt tên Bích Châu, tự là Bích Lưu với ngụ ý con gái của ông bà quý giá sánh với châu ngọc, lưu ly ở trên đời.
Bà sớm nổi tiếng thông tuệ, hiểu văn chương, biết thi phú, thạo âm luật, lại có dung mạo xinh đẹp, nên rất nổi tiếng trong vùng. Chính bởi thế, vào năm 1373, bà được vua Trần Duệ Tông tuyển vào cung, phong làm Quý phi, đặt tên hiệu là Phù Dung.
Quý phi Bích Châu tài sắc vẹn toàn.
Không chỉ nổi tiếng là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, quý phi Bích Châu cũng là một trong những quý phi đóng góp vào việc trị nước an dân. Bà đã giúp vua Trần Duệ Tông trong các kế sách để đem lại tình hình ổn định và phát triển trong nước.
Bà đã soạn thảo bản điều trần đầy tâm huyết dâng vua, nhan đề: Kê minh thập sách - nêu 10 kế sách trị nước an dân với đại ý mượn tiếng gà gáy sáng để thức tỉnh nhà vua. Sau khi xem xong, nhà vua cảm kích vỗ trán thốt lên:
- Không ngờ ái phi lại thông tuệ đến thế? May cho trong cung của trẫm xuất hiện một bậc Từ phi.
Năm Đinh Tỵ (1377), vua Trần Duệ Tông điều 12 vạn binh đi đánh Chiêm Thành. Quý phi Bích Châu dâng biểu can ngăn, phân tích lợi hại rất tường tận và chi tiết, nhưng vua vẫn không lay chuyển, ông đã chuẩn bị đội ngũ để tự mình thân chinh.
Thấy vậy, bà Bích Châu lại viết một bài biểu lời lẽ tha thiết, khuyên nhà vua nên nghĩ lại. Nhưng bài biểu cuối cùng cũng bị xếp xó. Quá buồn rầu, bà đành xin phép chồng cho đi theo. Bà là một trong mấy chục phi tần, cung nữ đi theo ngự giá.
Quân Trần buổi xuất binh ngày ấy cờ xí rợp trời, chiêng trống dậy đất, binh sĩ gươm giáo sáng loáng, hùng khí chất ngất từng mây. Nhưng khi đoàn thuyền chiến vừa đến cửa bể Kỳ Hoa (nay là Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trời bỗng nổi cuồng phong. Đoàn thuyền đành tạm neo ngay lại đấy. Bởi ngay sát bờ đã là dãy vực thẳm đầy đá nhọn, ra càng xa thì vực càng sâu, lòng biển lởm chởm hàng khối đá ngầm.
Binh thuyền phải thương tổn khá nhiều mới ràng nổi dây neo. Nhưng cơn dông bão vẫn dai dẳng càng lúc càng dữ dội hơn. Quân lính lớp chết, lớp kêu la chới với. Số còn sống ai nấy đều kinh hãi nản lòng còn nhà vua nhất quyết đợi tan cơn bão sẽ tiến binh tiếp.
Một vị ái phi mới 20 tuổi của nhà vua, giai nhân tuyệt sắc ấy đã đang đứng ở vị thế là một nữ dũng tướng của quan quân triều Trần Duệ Tông.
Đêm ấy, vua Duệ Tông mộng thấy một vị thần xưng là Nam Minh đô đốc, thủ hạ của Quảng Lợi đại vương muốn xin vua ban cho một người thiếp, nếu được như ý nguyện, mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền vua đi qua. Vua sợ hãi, vội cho đòi các quan tướng và phi tần đến chỗ ngự tẩm, kể lại giấc mơ. Trong khi các quan tướng chưa biết ứng đối thế nào thì Bích Châu từ sau trướng bước ra, nói:
"Việc linh ứng của thần nhân như vậy là rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân".
Vua Duệ Tông bàng hoàng chưa kịp ngăn cản thì bà Bích Châu đã nhanh nhẹn quay ra thuyền lệnh: "… Các quan mau mau sửa soạn lễ vật cúng thần biển, kính báo thời khắc thiếp tôi được nhà vua cử làm sứ giả đi gặp thần biển xin sóng lặng bể yên phù trợ cho vua quan, quân lính nhà Trần được chiến thắng dịp này, đem bình an về cho đất nước".
Bà vừa dứt tiếng thì từ nhà vua đến các quan có mặt quanh đó đều sửng sốt, nghẹn lời… Tất cả đều nén lòng nghe theo ý chí cương quyết của cung phi Bích Châu. Một cung nữ tài sắc, mới kề cận nhà vua được bốn năm, được vua Duệ Tông sủng ái hết mực như vậy mà dám lìa bỏ tất cả, can đảm hy sinh tính mạng thì thật là một việc làm quá phi thường.
Chiếc thuyền rồng chao đảo ngả nghiêng. Thoáng chốc, bà đã trâm thoa, xiêm gấm, hài thêu lộng lẫy bước ra. Trước mắt mọi người lúc này, vẻ đẹp của bà Bích Châu đang tỏa ánh hào quang như một vị thiên thần. Một vị ái phi mới 20 tuổi của nhà vua, giai nhân tuyệt sắc ấy đã đang đứng ở vị thế là một nữ dũng tướng của quan quân triều Trần Duệ Tông.
Vua Duệ Tông kính cẩn đưa tiễn bà ái phi dũng cảm ra đi. Ngài truy tặng cho bà làm Thần phi.
Mặc cho sóng đánh tối tấp, nước tràn lênh láng, bà Bích Châu vẫn tươi tắn đến quỳ lạy nhà vua, cầu chúc nhà vua bình tĩnh và đại thắng, rồi quay về hướng Bắc lạy cha mẹ, vái chào tử biệt hàng quan quân, trang nghiêm đến ngồi gọn vào trong lòng chiếc thuyền thoi nhỏ có cắm đại hoàng kỳ. Chiếc thuyền được quan quân thòng dây thả từ từ xuống biển, giữa những cơn sóng thần liên tiếp quật nước lên cao. Bà Bích Châu bình tĩnh nắm dây nhắm mắt.
Vừa đụng nước, chiếc thuyền lập tức quay vòng ngụp lặn với sóng cả rồi chìm lỉm mất hút, mang theo một trái tim rực rỡ ánh châu ngọc lưu ly nhập cõi thuỷ tận.
Hai ngày sau bão mới ngớt, xác phu nhân Bích Châu nổi trên mặt biển, vẫn uy nghi trong bộ triều phục, nhấp nhô theo làn sóng bạc trôi dần vào bờ, được dân làng vớt lên rước đi an táng tại làng Kỳ Hoa. Đây cũng là lúc mà đoàn thuyền chiến của vua Trần Duệ Tông đã lướt tiến khá xa, sẵn sàng lao vào trận chiến với quyết tâm diệt giặc giữ yên bờ cõi, đền bù tâm nguyện của phu nhân Bích Châu trước giờ tử biệt.
Thế nhưng, vì Trần Duệ Tông không nghe lời can gián, vẫn cho quân tiến sâu vào động Y Mang, đất Chiêm, nên bất ngờ bị trúng mưu của giặc Bà Ma, một tướng của Chế Bồng Nga, toàn quân tan rã. Vua tử trận ở Đồ Bàn (tức Quy Nhơn ngày nay) vào ngày 23.1 năm Đinh Tỵ (1377).
Từ đó, hàng năm, vào 12.2 âm lịch là ngày giỗ của quý phi Bích Châu – Chế Thắng Phu Nhân.
LN (Khám Phá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.