Quy trình phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 nhân sự giữ chức Phó Thủ tướng

PVCT Chủ nhật, ngày 01/01/2023 06:39 AM (GMT+7)
Theo quy định của pháp luật, để kiện toàn chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng có thẩm quyền trình nhân sự đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn việc bổ nhiệm.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, tại hội nghị Trung ương bất thường (chiều 30/12/2022), Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về 2 nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khoá XV phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quy trình phê chuẩn 2 nhân sự giữ chức Phó Thủ tướng - Ảnh 1.

Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về 2 nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khoá XV phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh Đ.X

Việc xin ý kiến nêu trên được thực hiện theo Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Tại Điều 6 của Quy định số 80 về trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị có nêu: Bộ Chính trị xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh:

Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ.

Sau khi thực hiện xong quy trình về Đảng, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền để trình nhân sự (đã được Bộ Chính trị giới thiệu) đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn việc bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tại kỳ họp Quốc hội, sau khi Thủ tướng trình nhân sự đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm chức Phó Thủ tướng, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại Đoàn về nhân sự được đề nghị phê chuẩn, bổ nhiệm đó.

Bước tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng. Tiếp nữa, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng. Tiếp theo, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu và Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức danh Phó Thủ tướng.

Bước cuối, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước sẽ ký quyết định bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông báo triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ hai của Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 5/1/2023 và dự kiến bế mạc ngày 9/1/2023. Các đại biểu sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Hà Nội).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự và các nội dung quan trọng khác.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng tiến hành công tác nhân sự, gồm: Bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước; miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải với ông Nguyễn Văn Thể; phê chuẩn việc bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Hiện nay Chính phủ đang có 4 Phó Thủ tướng, tuy nhiên Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã thôi Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi Ủy viên Trung ương Đảng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem