Quỹ VINIF là hình mẫu cho đầu tư Khoa học công nghệ
Quỹ VINIF là hình mẫu cho đầu tư Khoa học công nghệ
Khải Phạm
Thứ tư, ngày 26/07/2023 16:11 PM (GMT+7)
Phát triển được 5 năm, Quỹ VINIF của VinGroup được TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đánh giá là hình mẫu cho đầu tư Khoa học công nghệ.
Trong Hội thảo kỷ niệm 05 năm hoạt động của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã diễn ra Toạ đàm: Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ đã thu hút được sự quan tâm lớn.
Trong đó, Quỹ VINIF được coi là hình mẫu cho đầu tư Khoa học công nghệ và hiệu quả lớn dù mới chỉ hoạt động được 5 năm.
VINIF - khởi nguồn quỹ nghiên cứu dành cho Khoa học công nghệ
Thành lập từ tháng 8/2018, VINIF là quỹ tư nhân phi lợi nhuận hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật giúp phát triển đất nước. Sự ra đời của VINIF đã hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng và tạo ra niềm cảm hứng với giới khoa học và công nghệ Việt Nam suốt 5 năm qua.
Đến nay, VINIF có 7 chương trình tài chính gồm: Dự án khoa học và công nghệ, Học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, Bài giảng đại chúng và giáo sư thỉnh giảng, Hội thảo và sự kiện, Học bổng sau tiến sĩ trong nước, Hợp tác đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu và Lưu giữ các giá trị văn hoá lịch sử.
VINIF ra đời thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu Khoa học công nghệ sâu rộng, mạnh mẽ hơn, từ đó các quỹ ở trường đại học cũng dần hình thành.
Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQL Quỹ phát triển Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Đại học Quốc đã thành lập quỹ mang tên “Quỹ phát triển Đại học Quốc gia” vào năm 2019. Đây là một trong những quỹ đầu tiên của đại học tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận tương tự VINIF.
“Quỹ phát triển Đại học Quốc gia có những chương trình, hoạt động tương tự VINIF khi tài trợ cho Cao học, nghiên cứu sinh. Mỗi năm, quỹ của Đại học Quốc gia sẽ có khoảng 30 suất gồm 15 Cao học và 15 nghiên cứu sinh với tổng trị giá học bổng 1.5 tỷ/năm", ông Quân chia sẻ.
Quỹ phát triển Đại học Quốc gia đứng ra bảo trợ để cho các sinh viên nghèo có thể vay để đóng học phí Đại học và hỗ trợ một số đề tài, dự án.
Theo PGS. Vũ Hải Quân, hiện nay để duy trì một quỹ hoạt động phi lợi nhuận gặp rất nhiều khó khăn.
Quan trọng của Quỹ là làm thế nào để người tài trợ có niềm tin rằng khi doanh nghiệp tài trợ họ muốn tiền được sử dụng đúng mục đích. Thứ 2, văn hoá hiến tặng của Việt Nam có thể đạt được như các nước phát triển hay chưa? Thứ 3, phải có cơ chế, chính sách để quỹ sinh ra được tiền.
TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch HĐQL Quỹ BK Fund cho rằng, VINIF là Quỹ nhân văn khi đến nay đã đầu tư 800 tỷ đồng góp phần tiếp sức cho sự phát triển của nghiên cứu khoa học nước nhà. Con số là vậy, nhưng VINIF có tác động xã hội lớn có thể lên đến 8.000 tỷ hay 80.000 tỷ đồng.
Ông Đoàn cũng cho biết, “BK Fund" là Quỹ đầu tiên trong đại học công lập được thành lập là sự quyết tâm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và các cựu sinh viên của trường. Quỹ BK Fund chỉ phục vụ cho sinh viên, giảng viên, cựu sinh viên Đại học Bách khoa có dự án khởi nghiệp.
Đến nay, Quỹ BK Fund đầu tư cho các dự án nên giá trị đã tăng lên gấp nhiều lần. Việc này sẽ giúp cho các sinh viên khoa học, nghiên cứu có thêm động lực, có thể làm giàu.
Lấy ví dụ thực tế, ông Đoàn cho biết, Samsung đầu tư gần 10% Quỹ R&D với doanh số khoảng 250 tỷ USD, khoảng 25 tỷ USD/năm cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ. Với sự đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học, Samsung hiện nay đã có giá trị lớn hơn tổng tất cả các công ty điện tử Nhật Bản như Sony, Sanyo… cộng lại.
Từ đó, TS. Phạm Đình Đoàn khẳng định việc nghiên cứu Khoa học công nghệ vô cùng quan trọng. Tài sản trí tuệ đang nằm ở các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Việt Nam lại không được phát huy là một điều đáng tiếc.
Do đó, những mô hình Quỹ như VINIF, BK Fund nên được phát triển nhân rộng để các nghiên cứu khoa học Việt Nam sớm đi vào thực tiễn.
VINIF đầu tư hiệu quả hơn Nhà nước cho phát triển nghiên cứu Khoa học công nghệ
Đứng ở góc độ quản lý Nhà nước, TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, từ nhiều năm, Bộ Khoa học Công nghệ đã nhận thấy vai trò của các Quỹ là rất quan trọng.
“Tuy nhiên, chúng ta đã vào kinh tế thị trường rồi, nhưng hệ thống tài chính hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng Khoa học Công nghệ vẫn hoạt động theo cơ chế của thời bao cấp, kế hoạch hoá trước đây”, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu Khoa học phải xây dựng đề tài, dự án và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được tổng hợp vào danh mục cấp tiền cho năm sau, đó là rào cản lớn cho sự phát triển của Khoa học công nghệ.
“Nhà nước quan tâm đến hoạt động nghiên cứu Khoa học, như năm nay dành đến 3.000 tỷ đồng cho các chương trình Khoa học Công nghệ cấp Quốc gia, các Bộ. Thế nhưng, năm nào các nhà Khoa học cũng “tiêu rất vất vả mới hết khoản tiền đó, thậm chí không hết", nhưng hiệu quả rất thấp”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, cơ chế chính sách dành cho Khoa học Công nghệ cần đối mới và cơ chế Quỹ cần được hình thành. Không phải ngẫu nhiên mà các nước phát triển trên thế giới đều cấp phép hoạt động nghiên cứu Khoa học thông qua các Quỹ.
“Khi ý tưởng của nhà khoa học được cấp có thẩm quyền đánh giá lập tức được cấp kinh phí để triển khai ngay hoạt động nghiên cứu, đó là cái hay của Quỹ", TS. Nguyễn Quân chỉ ra điểm hay của Quỹ nghiên cứu Khoa học công nghệ.
Các Quỹ được Bộ Khoa học Công nghệ đề xuất với Chính phủ nhưng sau đó hoạt động theo cơ chế ngoài ngân sách nên đã không phát huy được hiệu quả.
Năm 2016 được coi là năm khởi nghiệp Quốc gia đã gặp phải khó khăn khi chỉ có nguồn đầu tư cho Doanh nghiệp khởi nghiệp phải trông cậy vào tư nhân, nhưng vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước đối với các Quỹ đầu tư khởi nghiệp.
Khó khăn của các Quỹ hiện nay cũng “vừa làm, vừa dò đá qua sông", phải trông chờ hướng dẫn của các Sở, Bộ… và vẫn lo Quỹ hoạt động không đúng quy định.
“Tôi đánh giá cao sự ra đời Quỹ VINIF của Tập đoàn VinGroup với hiệu quả tốt khi mới đầu tư 750 tỷ đồng, nghiệm thu được 1 số dự án, đề tài, nhưng sản phẩm của Quỹ đã rất phong phú với hơn 500 bài báo, hơn 100 sáng chế, giải pháp hữu ích, đào tạo nhiều tiến sĩ, thạc sĩ…”, ông Quân nhận định.
Chúng ta có thể đặt lên bàn cân khi Nhà nước tiêu mỗi năm 3.000 - 4.000 tỷ đồng cho riêng hoạt động R&D, còn với VINIF, mỗi năm trung bình chỉ khoảng vài trăm tỷ đồng. Qua đó, có thể thấy rõ hiệu quả 2 bên có sự chênh lệch lớn “một trời, một vực".
Theo Nguyên Bộ Khoa học Công nghệ, tại sao Nhà nước không tạo cơ chế thuận lợi nhất cho những người làm Khoa học giống như VINIF nên việc thu hút người tài trong nghiên cứu Khoa học vào Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.
Ở chiều ngược lại, VINIF của VinGroup đã mời được nhiều nhà nghiên cứ như TS. Vũ Hà Văn, nhà Khoa học Bùi Hải Hưng…
“VinGroup đầu tư hiệu quả hơn rất nhiều so với ngân sách nhà nước. Tôi hy vọng Quỹ VINIF sẽ là hình mẫu để những người làm quản lý nhà nước về Khoa học công nghệ thấy rằng vai trò của cơ chế Quỹ quan trọng và sớm có những thay đổi cách quản lý Quỹ đầu tư, tài trợ cho Khoa học công nghệ trong phạm vi Nhà nước. Chỉ có như thế các đơn vị công lập, trường Đại học công lập, Viện nghiên cứu công lập mới có thể phát triển đúng, vượt trội so với các cơ sở tư nhân ngoài nhà nước. Đồng thời thu hút được nhân tài trong khu vực công lập mới sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư lớn cho Khoa học công nghệ hàng năm", Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.