Chuyển đổi số doanh nghiệp nhà nước: "Trong nguy có cơ"
Chuyển đổi số doanh nghiệp nhà nước: "Trong nguy có cơ"
Thanh Tùng
Thứ tư, ngày 26/07/2023 13:41 PM (GMT+7)
Hiện nay, Chính phủ đã thực hiện nhiều quyết sách, đề án nhằm khuyến khích hoạt động chuyển đổi số quốc gia. Nhờ đó, các doanh nghiệp được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tham gia vào tiến trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong thực tế, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện chuyển đổi số.
Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ điều này và nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước.
Thực tế, Chính phủ đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, qua đó hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhà nước rút ngắn khoảng cách về tốc độ chuyển đổi số. Tuy vậy, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh, tầm quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số trong vai trò là động lực chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực...
Trong khuôn khổ Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước, cơ hội và thách thức" diễn ra sáng ngày 26/7, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam cho biết theo nghiên cứu của DTSI, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần chuyển đổi cách thức tổ chức, thông qua việc áp dụng hiệu quả các công nghệ, phương thức quản trị mới và những nguồn lực mới để hoạt động hiệu quả hơn; Chuyển đổi bản chất của hoạt động kinh doanh; Chuyển đổi lợi thế cạnh tranh thành hành động bằng việc nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, không ngừng, nhanh chóng và hiệu quả; Chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động từ truyền thống công nghiệp sang kỷ nguyên số; Chuyển đổi cách vận hành từ quản trị công việc sang quản trị dòng thông tin; Chuyển đổi cách do lường hiệu quả công việc từ các chỉ số rời rạc, sang kết quả tổng thể của doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp hiệu quả tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số với các nội dung trên, doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước) vẫn đang gặp không ít thách thức: "Trước hết phải thấy rằng doanh nghiệp nhà nước có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Doanh nghiệp nhà nước, có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công.
Bởi sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên chính quá trình này tạo ra nhiều điểm khó khăn trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh. Điều đó đặt ra những thách thức lớn cho việc chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động để thích ứng hiệu quả với kỷ nguyên số với một đặc trưng quan trọng là sự chuyển đổi không ngừng và linh hoạt", ông Lê Trường Giang nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn và với đặc điểm về sự chặt chẽ trong việc kiểm soát quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh "Agile" hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm (Ecosystem) trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.
Đặc biệt, chuyển đổi số cũng đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể, và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các doanh nghiệp nhà nước.
Để đảm bảo sự chắc chắn, hầu hết những giải pháp, sáng kiến số hiện nay đang tập trung vào các giải pháp theo mô hình phân tích chi tiết ưu, nhược điểm, qua đó xây dựng thiết kế tổng thể và thiết kế chi tiết theo mô hình "thác nước". Do vậy, thay vì tạo ra một tác động tổng thể, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số giải pháp cụ thể thay vì tổng thể.
Với quy mô rất lớn, mô hình phức hợp và định hướng phát triển chịu sự chỉ đạo của các doanh nghiệp nhà nước, việc xây dựng các mô hình kiến trúc cho phù hợp cũng như điều chỉnh hàng năm cần có một chiến lược tích hợp kinh doanh- chuyển đổi số được thực hiện ngay từ giai đoạn bản lề trong thời gian đầu của việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để dẫn hướng tiến trình. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định, vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp thấp của tổ chức, đang là một điểm nghẽn lớn. Do vậy, chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh động cho doanh nghiệp nhà nước thông qua tiến trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, theo ông Lê Nguyễn Trường Giang tiến trình chuyển đổi số cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành,… Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc chuyển đổi số không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện doanh nghiệp sang bản chất kinh doanh mới – trở thành một doanh nghiệp số.
"Chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình, hay phương thức; mang tính phương tiện để giúp doanh nghiệp/tổ chức chuyển đổi hình thái tổ chức của mình, thích ứng với một bối cảnh mới – kỷ nguyên số.
Do vậy, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp, tổ chức của mình", ông Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.