Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn bảo vệ NTD Việt Nam, quyền được thông tin là 1 trong 8 quyền của NTD do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1985. 8 quyền này một lần nữa được khẳng định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011. Trong Luật An toàn vệ sinh thực phẩm cũng quy định rõ về quyền này nhằm giúp NTD thực hiện quyền lựa chọn, tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng và tiêu dùng hợp lý. Tuy nhiên, tới thời điểm này, tại Việt Nam việc thực thi quyền thông tin của NTD vẫn còn mờ nhạt.
Thịt ế đã ôi thiu được bày bán tại chân cầu Thăng Long Hà Nội. Lê An
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, trên thị trường còn có nhiều loại thực phẩm giả, không an toàn (như xôi gấc giả, rượu giả); thực phẩm có nguy cơ cao (như cá nóc), thực phẩm không có nhãn mác (các loại bánh kẹo không có bao gói)… dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ Khoa học – Công nghệ) lấy ví dụ về sản phẩm sữa, có một số loại ghi là thực phẩm dinh dưỡng mà không rõ là sữa hay không phải là sữa. Cách ghi này giúp doanh nghiệp “lách” được một số quy định về quy chuẩn và tiêu chuẩn sữa.
Về giải pháp, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh, thực thi quyền được thông tin của NTD là cách tốt nhất đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện Cục này cũng đã thực hiện một số giải pháp để tăng cường thông tin như hỏi đáp trực tuyến, tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng… Đặc biệt, tất cả các dự thảo văn bản liên quan tới thực phẩm sẽ đều lấy ý kiến của NTD, doanh nghiệp… Ông Trần Quốc Tuấn thì nhấn mạnh, bản thân NTD cũng cần thể hiện “quyền” của mình bằng cách tẩy chay các sản phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì mới tiếp cận được dinh dưỡng lành mạnh và vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giảm đáng kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.