Quyền lợi độc quyền, trách nhiệm hữu hạn

Thứ sáu, ngày 17/12/2010 14:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xăng dầu đang được bán cầm chừng, dè dặt ở rất nhiều đại lý- một biểu hiện của việc nguồn hàng đang bị hạn chế, và lớn hơn, tiềm ẩn một dấu hiệu bất thường, một cảnh báo về tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bình luận 0

Liên bộ Tài chính- Công Thương hôm qua đã liên tục đưa ra những tuyên bố không để tình trạng này xảy ra. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng trong xã hội rất cần được tháo nút bằng hành động cụ thể...

Nguyên nhân rất dễ lý giải. Những khó khăn về ngoại tệ, những biến động về tỉ giá, cùng với giá bán lẻ trong nước đang nằm trong tình trạng "dưới giá nhập khẩu" đang làm cho các doanh nghiệp đầu mối thực sự không muốn nhập. Họ đang đứng trước bài toán càng nhập, càng bán, thì càng lỗ trong khi tiền từ Quỹ bình ổn nói trắng ra là đã không còn, hoặc có bù, cũng chỉ như muối bỏ bể.

Trước khó khăn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương không còn cách nào khác là phải yêu cầu các "quả đấm thép của nền kinh tế", tức là các doanh nghiệp nhà nước phải bình ổn, phải "không để đứt nguồn hàng". Cái tên được nhắc tới đầu tiên là Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) đơn vị độc quyền trong lĩnh vực phân phối khi chiếm tới 60% mạng lưới.

Nhưng mấy ngày qua, Petrolimex cũng không ngừng kêu ca, rằng các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác phải cùng tham gia bình ổn với Petrolimex. Rồi than vãn: Áp lực cung ứng xăng dầu thời gian qua và hiện nay là rất lớn. Rằng nếu chỉ một mình Petrolimex tham gia bình ổn thị trường là rất khó.

Rồi thì: Việc các điểm phân phối xăng, dầu treo biển hết hàng hoặc bán ra cầm chừng cho thấy có thể các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối còn lại đang dè dặt không dám tăng nguồn cung xăng dầu do tác động của tỉ giá và sợ lỗ. Và mới nhất: Nếu không giảm thuế và khó khăn do tỉ giá, doanh nghiệp sẽ "rất khó chịu đựng".

Còn nhớ vào đầu tháng 10, khi Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) công khai báo động về vấn đề tồn kho 750.000 tấn xăng dầu, Petrolimex bấy giờ đã lạnh lùng trả lời: Petrolimex đã ký hợp đồng với nước ngoài đến hết năm.

Ngay cả khi Bộ Công Thương yêu cầu phải tăng gấp đôi lượng tiêu thụ, phải giảm nhập khẩu xăng, để giải quyết tồn kho cho PVN, Petrolimex vẫn nói cứng: Nếu phải huỷ hợp đồng với đối tác xăng dầu bên ngoài, để mua xăng dầu của Dung Quất, thì thiệt hại sẽ "rất lớn".

Vậy mà chưa hết năm, xăng dầu đã lại lên cơn sốt. Và cơn sốt, cũng là vì nghĩa vụ bình ổn giá đang cứa vào miếng bánh lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Luôn "đi đầu" mà mỗi sự tăng giảm giá của Petrolimex luôn có tính chất dẫn dắt giá cả thị trường, vậy thì tại thời điểm này, bên cạnh các biện pháp hành chính từ phía Bộ Tài chính, về mặt trách nhiệm Petrolimex cũng buộc phải dẫn đầu, vì các mục tiêu lớn hơn là sự ổn định, an toàn của thị trường chứ không thể để tồn tại mãi tình trạng độc quyền lợi nhuận, còn trách nhiệm thì có hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem