Tháng 11.1950, chàng trai xã Gia Vượng (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) Đinh Thế Phẩm hăng hái tòng quân. Trải qua nhiều chiến dịch, đầu năm 1954, đơn vị ông - Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 về trú quân tại khu rừng Nà Lời, nhận nhiệm vụ tiến công cứ điểm số 2 thuộc cụm cứ điểm Him Lam.
|
Ông Đinh Thế Phẩm kể lại trận đánh năm xưa. |
Giữ đồi hỏa lực
Ở Him Lam, địch bố trí 3 cứ điểm có hỏa lực mạnh, hệ thống công sự phụ, bãi mìn dày đặc, hàng rào sâu bao quanh. Lực lượng chốt giữ gồm 1 tiểu đoàn lính lê dương với 750 tên thuộc Lữ đoàn 13 - “đứa con cưng” của Tướng Nava. Lữ đoàn này được trang bị những vũ khí hiện đại và trên sân bay Mường Thanh luôn có một tốp máy bay túc trực sẵn sàng chi viện.
Từ ngày 6 đến 10.3.1954, các đơn vị của Tiểu đoàn 428 đã đào xong chiến hào, trận địa hỏa lực, sở chỉ huy tiểu đoàn và tuyến xuất phát xung phong. Sáng 11.3, biết ta sẽ đánh vào Him Lam, địch điều bộ binh, xe tăng, xe ủi đất hòng san lấp chiến hào của ta. Còn 2 ngày nữa mới đến giờ nổ súng, bộ đội Tiểu đoàn 428 phát hiện có một trận địa nằm cách Him Lam một tầm đạn bắn thẳng, phán đoán nếu địch chiếm vị trí này thì ta không thể tiến vào cứ điểm được.
Tối 11.3, Trung đội 3 của Đại đội 670 được giao nhiệm vụ phòng ngự giữ đồi hỏa lực. Lúc đó Đinh Thế Phẩm đang là tiểu đội trưởng súng máy của Trung đội 3. 8 giờ sáng 12.3, máy bay địch thay nhau trút bom, pháo địch từ Mường Thanh, Hồng Cúm ầm ầm bắn tới, phối hợp cùng bộ binh, xe tăng, xe ủi đất từ Mường Thanh kéo ra. Quân ta với 2 đơn vị nhỏ của Tiểu đoàn 428 và Tiểu đoàn 11 Trung đoàn 141 dựa vào công sự vững chắc với quyết tâm "một tấc không đi...” đã đánh trả quyết liệt, dũng mãnh.
Nôn nao chờ giờ G
Tối 12.3, bộ đội ăn cơm ngay trên trận địa rồi khẩn trương kiểm tra, sửa chữa công sự. Ông Phẩm bồi hồi nhớ lại: “Đêm ấy pháo địch vẫn bắn cầm canh. Chúng tôi không ai ngủ được, nôn nao chờ giờ G đang đến gần”.
Khoảng 7 giờ sáng, sương mù chưa tan hết, pháo địch đã điên cuồng bắn, từng tốp máy bay ào đến giội bom yểm trợ cho bộ binh địch mở những đợt công kích vào trận địa của ta. Trung đội 3 kiên cường đánh lui nhiều đợt xung phong, giành giật với địch từng ụ súng, từng mét chiến hào. Đến 12 giờ trưa địch mới chiếm được một góc trận địa. Tiểu đội của ông Phẩm có 3 đồng chí hy sinh, những người còn lại dù bị thương vẫn không rời vị trí chiến đấu.
Sau trận đánh, Đại đội 670 được bổ sung vũ khí, củng cố lại đội hình, tiếp tục chiến đấu tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Trung đội trưởng Lục Văn Kiên ra lệnh cho ông Phẩm đưa 2 khẩu trung liên vòng sang trái trận địa, đánh vào sườn quân địch. Bị đánh bất ngờ, đội hình địch rối loạn.
"Thình lình một quả pháo địch nổ ngay trước mặt, tôi và một xạ thủ khác bị thương, chúng tôi băng bó cho nhau, tiếp tục chiến đấu. Cùng lúc đó trên đồi Him Lam, những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên, tiếp theo là những tiếng nổ chát chúa, xe tăng, bộ binh địch hò nhau rút chạy về phía Mường Thanh. “Tôi xem đồng hồ là 14 giờ 30 phút. Hai giờ sau, trận đánh công kiên lớn nhất của quân đội ta trong 9 năm chống Pháp bắt đầu” - ông Phẩm kể.
Vậy là sau 2 ngày đêm, từ ngày 12.3 đến 14 giờ 30 phút ngày 13.3.1954, Trung đội 3 Đại đội 670, được sự chi viện hỏa lực của Tiểu đoàn 428 đã bảo vệ thành công trận địa xuất phát xung phong và trận địa hỏa lực. Tiểu đội của ông Phẩm có 5 đồng chí hy sinh.
Đỗ Thị Ngọc Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.