Minh Quyền
Chủ nhật, ngày 16/07/2023 18:08 PM (GMT+7)
Trước thông tin hãng Grab sẽ sa thải hơn 1.000 nhân viên để đảm bảo có lãi, nhiều tài xế xe công nghệ tỏ ra không quan tâm, điều họ lo lắng nhất chính là thu nhập giảm hẳn vì ít nhiều bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Đ.H.M. (sinh năm 1973, là nạn nhân trong vụ giết người cướp của không thành xảy ra vào tháng 7/2019), chia sẻ ông có thâm niên hơn chục năm với nghề lái xe công nghệ từ nhiều hãng. Đến hiện tại, ông M. đang lái xe cho hãng Grab.
Với những kỷ niệm đặc biệt trong nghề, ông M. kể, tháng 7/2019, lúc chập tối, tại địa bàn Dĩ An (tỉnh Bình Dương), ông bị một hành khách nghiện ma túy đặt cuốc đi vào nơi vắng vẻ. Người này sau đó dùng dao rọc giấy cắt vào cổ của ông.
Khi tai qua, nạn khỏi, nghỉ làm 3 tháng, ông M. đã quay lại làm cho đến nay. Trước thông tin sa thải hơn 1.000 nhân viên Grab, ông M. chia sẻ: "Dù không mấy quan tâm vì không liên quan trực tiếp nhưng ít nhiều việc sa thải cũng ảnh hưởng đến cánh tài xế, trước khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Đối với tôi, hiện tại dù thu nhập thấp, tôi cũng không thể tìm được công việc phù hợp hơn vì đã quen nghề. Giờ tôi chỉ biết cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu mà công ty đặt ra, mặc dù kiếm tiền hiện tại với nghề này khá khó…".
Gắn bó với nghề tài xế xe ôm công nghệ 5 năm qua, ông T.D. (50 tuổi sống tại quận 6, TP.HCM), thở dài khi nói về tình hình thu nhập hiện tại. Sáng 16/7, ông D. ngồi ở góc quen gần nhà chờ "cuốc xe nổ". Ông D. nói: "Từ 6 giờ sáng đến 11 giờ chỉ có 2 khách, thu nhập chưa đến 20 nghìn đồng vì đường đi ngắn, chưa kể khấu trừ cước phí và xăng…".
Sau khi nghỉ công việc bảo vệ vào đầu năm 2019 (lương hơn 7 triệu/tháng), ông D. quyết định chọn làm tài xế xe ôm công nghệ vì thu nhập khá tốt, khoảng 12 triệu/tháng vào thời điểm đó.
Ông D. cho hay, thời gian gần đây, ông vừa chạy xe, vừa tìm công việc khác vì sắp không bám trụ được với nghề, từ đầu tháng 7 tới nay, mỗi ngày thu nhập không đến 150 nghìn đồng. Nói đến lý do thu nhập giảm, ông D. cho rằng điều này liên quan đến mức phí của công ty. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người đăng ký mới làm tài xế, dẫn đến tình hình hiện tại các tài xế thu nhập thấp, cố gắng bám trụ từng ngày.
Nhiều người không trụ nổi vì thu nhập thấp
Ông Đ.B.G. (ngụ quận 5, TP.HCM) có thâm niên 6 năm trong nghề cho rằng tới đây sẽ có nhiều tài xế công nghệ nghỉ bởi thu nhập kém.
Tình trạng chung của các tài xế công nghệ là đứng chờ khách nhiều hơn chạy. Clip: Minh Quyền
Với tình hình lượng khách gần đây, ông G. tỏ ra chán nản vì thu nhập giảm hẳn, không đủ để trả tiền chi phí trong gia đình. Ông nói: "Chạy hết tháng này, tôi sẽ nghỉ hẳn và tìm việc khác, vì thời gian gần đây không được nhiều cuốc xe. Hồi đầu năm nay, trong khi chở khách hàng, tôi bị tai nạn gãy chân, phải trả viện phí 9 triệu đồng nên rơi vào cảnh nợ nần".
Theo nhiều tài xế xe ôm công nghệ mà phóng viên Dân Việt có dịp tiếp xúc, trước tình hình khó khăn chung, hầu hết họ đều chỉ mong có công việc với thu nhập ổn định để chăm lo cho bản thân và gia đình. "Không xin được việc ở công ty thì sẽ về quê kiếm việc làm, biết sao bây giờ...", tại vỉa hè đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM), tài xế xe ôm H.V.C. buồn bã nói trong cơn mưa chiều đang bắt đầu nặng hạt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.