Ra chính sách mới, phải nghe ý kiến nhân dân

Thứ ba, ngày 11/12/2012 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Phải tiến tới việc coi phản biện, giám sát là để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, phải cho người dân được đóng góp ý kiến”.
Bình luận 0

img

Ông Lê Truyền. Ảnh: Vnexpress

Ông Lê Truyền- nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN về công tác phản biện.

Thưa ông, thời gian qua những vụ việc được MTTQ giám sát, phản biện như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ án bà Ba Sương (nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu)... đều đem lại những kết quả tốt, được nhân dân ủng hộ. Nhưng vì sao những vụ việc như vậy chưa nhiều?

- Thực tế tình hình xã hội hiện nay đang nảy sinh nhiều vấn đề, vụ việc vi phạm quyền dân chủ của người dân. Điều này thể hiện hai mặt:

Thứ nhất, chính sách pháp luật còn bất cập, việc thực thi chính sách còn nhiều sai sót. Thứ hai, bản thân MTTQ cũng làm chưa được nhiều vì cơ chế, quy chế đề xuất chưa được thông thoáng, chưa có cơ chế. Còn sở dĩ thời gian qua MTTQ làm nhiều nhưng không phải vụ việc nào cũng đạt kết quả như mong muốn vì chưa được làm đến cùng.

Còn về phía Đảng, Nhà nước còn thiếu những việc công khai, minh bạch. Tóm lại, từ cả hai phía chưa hình thành thói quen, nền nếp trong xã hội nên chưa hiệu quả và làm được nhiều như mong muốn.

img
Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ gặp gỡ, đối thoại với người dân bị thu hồi đất ở Văn Giang, Hưng Yên, ngày 8.11.2012.

Xuất phát từ nguyên do gì mà ông đã từng phát biểu rằng “phản biện là việc làm khó, không phải Mặt trận không làm được, mà là không được làm”?

- Đúng là lâu nay việc phản biện của Mặt trận thường không được làm một cách công khai, minh bạch. Chỉ khi nào bên có nhu cầu và bên có trách nhiệm tạo thành tương tác thì khi đó “ý Đảng, lòng dân” mới thực sự gặp được nhau thông qua chiếc cầu nối là Mặt trận.

Muốn vậy, MTTQ phải có sự chuyển hướng, nếu không có chuyển hướng hoạt động thì vai trò của MTTQ sẽ bị lu mờ, tượng trưng, hình thức, tự mình trở thành tổ chức không rõ chức năng, không có việc làm.

Lâu nay, ai cũng hiểu giám sát và phản biện sẽ giúp cho xã hội phát triển. Theo ông, tại sao vai trò phản biện của MTTQ lại chưa được đặt đúng với tầm quan trọng của nó, đôi khi phải “đi xin để được làm phản biện”?

- Trong thực tế hiện nay có nhiều thứ quyền lực “lệch chuẩn” nên rất cần sự giám sát, phản biện để đem lại một xã hội phát triển ngày càng toàn diện hơn. Khi giám sát và phản biện bao giờ cũng đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan nhà nước phải có sự minh bạch, rõ ràng, trong khi hiện còn nhận thức khác nhau và chưa thực hiện tốt nên mới có thực tế MTTQ muốn thực hiện vai trò phản biện thì như “đi xin để được làm”.

Phản biện là góp ý, tìm ra những cái chưa được, phát hiện những điểm bất hợp lý trong chính sách cũng như thực hiện chính sách. Theo ông có cách gì để những ý kiến, kiến nghị - đặc biệt là từ người dân - được các cơ quan quản lý coi trọng và tiếp thu nhằm tạo nên sự đồng thuận?

- Những ý kiến góp ý thì rất phong phú và rộng, và không phải mọi ý kiến đều đúng nhưng các cơ quan nhà nước, Đảng phải coi là những đóng góp để cùng nhau thảo luận. Đặc biệt, nên coi đây là quá trình thực hiện dân chủ để cùng đi đến sự đồng thuận, không phải là để Nhà nước đối phó với dân và ngược lại. Lâu nay cứ quan niệm phản biện là moi móc, nay chúng ta tiến tới việc coi phản biện, giám sát là để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, vì nhân dân thì phải cho bản thân người dân được đóng góp ý kiến.

Sắp tới, Bộ Chính trị sẽ thông qua quy chế về giám sát và phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Ông kỳ vọng gì ở quy chế giám sát phản biện này?

- Sắp tới khi quy chế giám sát, phản biện ra đời sẽ là căn cứ để Mặt trận thực hiện chức năng giám sát, phản biện. Sau đó quy chế sẽ được thể chế hóa trong văn bản pháp luật. Cái gốc của quy chế có tính chất nguyên tắc là Đảng và Nhà nước phải thấy được việc tạo điều kiện và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của nhân dân là công việc bắt buộc với mình, để mỗi khi ra chủ trương, chính sách đều phải lắng nghe ý kiến nhân dân.

“Cái gốc của quy chế có tính chất nguyên tắc là Đảng và Nhà nước phải thấy được việc tạo điều kiện và tiếp nhận ý kiến kiến nghị của nhân dân là công việc bắt buộc với mình, để mỗi khi ra chủ trương, chính sách đều phải lắng nghe ý kiến nhân dân”.

Gần đây, ông có phát biểu rằng đã đến lúc phải coi việc chịu sự giám sát, phản biện của nhân dân là bắt buộc đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước. Theo ông, nếu đề xuất này trở thành hiện thực thì hiệu quả nó đem lại ra sao?

- Quy chế sắp được ban hành sẽ là cái gốc. Tuy nhiên, muốn công tác giám sát, phản biện có kết quả tốt thì bản thân MTTQ cũng phải chuẩn bị lực lượng thật tốt, bao gồm cả các tổ chức thành viên như phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên… và lực lượng các nhà khoa học.

Chúng ta không mong có quy chế là làm tốt ngay vì đây là việc làm mới và khó. Lâu nay Mặt trận tập trung vào những việc làm truyền thống như huy động sức dân, hỗ trợ người nghèo… chứ là tổ chức đại diện ý chí nguyện vọng của dân thì làm chưa được nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem