Ra giá tham quan nhà "người rừng": Có gì mà bất ngờ?

Chủ nhật, ngày 18/08/2013 14:07 PM (GMT+7)
Đúng ra, chuyện thu tiền này phải được cấp chính quyền xã hay cơ quan văn hóa đặt ra trước hoặc là đề xuất tự giác của các nhà báo hay khách đến thăm, nghiên cứu chứ không phải chờ ông Lâm yêu cầu.
Bình luận 0
Một vài tờ báo đưa tin, ông Lâm - cháu của “người rừng” ở Quảng Ngãi đã ra giá buộc phải trả tiền với các nhà báo và khách tham quan, nghiên cứu nếu họ muốn chụp ảnh, phỏng vấn, phiên dịch hoặc dẫn đường vào rừng để xem ngôi nhà trên ngọn cây của chú ông.

Xin đừng vội lên án là ông cháu này quá tệ, muốn “kinh doanh” chú và em họ mình. Thử nghĩ xem, nếu ngày nào cũng như ngày nào, ông Lâm này phải túc trực ở nhà để tiếp chuyện, phiên dịch, nước nôi tiếp khách, rồi lại còn phải bỏ cả ngày dẫn họ vào rừng xem nhà. Chưa nói ông là một nông dân nghèo ở miền núi, giá ông có của ăn của để thì dù yêu thương chú đến đâu, cũng khó mà “ăn cơm nhà vác mõ điếm” mãi.

Đúng ra, chuyện thu tiền này phải được cấp chính quyền xã hay cơ quan văn hóa đặt ra trước hoặc là đề xuất tự giác của các nhà báo hay khách đến thăm, nghiên cứu chứ không phải chờ ông Lâm yêu cầu.

Nhớ câu vè chua chát nhưng cũng nói lên sự thật: “Tỉnh về xã phải mổ trâu/ Xã lên, tỉnh hỏi đi đâu thế mày?”. Thời bao cấp và hợp tác hóa, hễ nổi lên một điển hình tốt là nhanh chóng “mệt” vì khách tham quan. Đồng bào Mông ở Sapa cũng đòi tiền khách chụp ảnh mình. Chuyện ấy đã thành bình thường. Chụp ảnh phải được phép, đó là quyền con người. Phỏng vấn cũng vậy. Anh cần chứ tôi đâu có cần, có muốn? Nông dân lên phố đi vệ sinh cũng mất tiền thì sao?

Chúng ta vẫn quen thói “lịch sự” nhưng hóa ra lại phản quy luật, ảnh hưởng nặng của cơ chế xin - cho, “nước sông công lính”. Đó là không muốn hoặc “quên” trả tiền cho đẹp mặt chứ không đáng đồng tiền bát gạo. Thời bao cấp xuống xã, ăn cơm nhà dân, anh nào nhớ trả tiền hay tem gạo đã tự coi là lương thiện rồi.

Có sáng kiến đưa lại lợi ích to lớn cho nhà máy hay xã hội, bỏ sức lao động ra đắp đê, làm đường trội hơn người khác... thường được thưởng cái giấy khen kèm khăn mặt hay huân chương. Đành rằng những thứ đó cũng quý, nhưng cũng chỉ để ngắm, còn tiền là cái người ta cần để tiếp tục công việc.

Chuyện này đã có thay đổi, như tiền lương tăng liên tục nhưng vẫn chưa thực sự đáng đồng tiền bát gạo.

Các nhà báo, nhà nhiếp ảnh có nhuận bút, các nhà nghiên cứu có kinh phí thực hiện đề tài, khách du lịch muốn thỏa trí tò mò “xem” người rừng... thì có lẽ việc cần làm đầu tiên là nhớ trả tiền cho người phục vụ mục đích của mình. Còn trả bao nhiêu, cách trả như thế nào cho lịch sự, tiện lợi là chuyện khác. Kinh tế thị trường hay chỗ đó. Phải mừng là ông người Cor này có ý thức văn minh. Tại sao lại bất ngờ và lên án người ta?

Nguyễn Quang Thân ( Nguyễn Quang Thân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem