Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp trực tuyến triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng trong 2 năm 2014-2015, tổ chức ngày 18.3.
Cấp xã làm hạt nhân rà soát
Ông Hoàng Công Thái -Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) thông báo về văn bản hướng dẫn số 684, ban hành ngày 12.3.2014. Theo đó, đợt tổng rà soát này thực hiện với 7 đối tượng gồm: Liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng; cựu thanh niên xung phong.
“Hiện nay có nhiều NCC chết lâu rồi nhưng không cắt chính sách (nghĩa là tiền hỗ trợ vẫn về xã nhưng chưa rõ ai nhận), hoặc có tên NCC hưởng tiền hỗ trợ theo chính sách nhưng thực tế lại không có người đó. Ngoài ra còn có trường hợp NCC chưa được hưởng, hoặc chưa được hưởng đủ chính sách. Tất cả cần phải rà soát để làm rõ thực trạng NCC và việc hưởng chính sách hiện nay”- ông Thái nhấn mạnh.
Theo Hướng dẫn số 684, hạt nhân thực hiện là ban rà soát (cấp xã, do phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban) và tổ rà soát (khu dân cư, do trưởng ban công tác mặt trận làm tổ trưởng). Việc rà soát sẽ thực hiện tập trung cao điểm từ nay tới tháng 8.2014.
Kinh phí để thực hiện rà soát đã được đại diện Bộ Tài chính khẳng định là “sẵn sàng”. Ban rà soát cấp xã, huyện thực hiện lập dự toán. Dự kiến sơ bộ mỗi phiếu điều tra được chi trả 13.000 - 14.000 đồng và chi hỗ trợ tập huấn rà soát, cung cấp văn bản chính sách cho cấp xã. Với quy mô này, đồng loạt 11.000 xã sẽ vào cuộc rà soát 4,8 triệu NCC.
Những góc khuất…Ngay khi nhận hướng dẫn rà soát, đại diện nhiều tỉnh thành đã bày tỏ băn khoăn khi triển khai. Ông Lê Đức Chữ - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Ngãi thắc mắc: “Theo biểu mẫu 16, khi phát hiện người lạm dụng chính sách, khai man để hưởng chính sách hoặc chi trả chính sách sai thì cấp nào quyết định đúng/sai và xử lý thế nào?”.
Cả nước hiện có 12 nhóm đối tượng người có công, với tổng số 8,8 triệu người hưởng các chế độ hỗ trợ 1 lần và trợ cấp hàng tháng. Đợt rà soát này chỉ thực hiện ở 7 nhóm đối tượng với 4,8 triệu người.
Nguồn: Cục Người có công (Bộ LĐTBXH)
|
Trả lời cho thắc mắc này, ông Hoàng Công Thái cho biết, nếu phát hiện sai phạm, ban rà soát lập danh sách từ cấp xã gửi lên huyện, Phòng LĐTBXH huyện có trách nhiệm thẩm định rồi trình lên UBND tỉnh xử lý.
Đại diện TP.HCM, ông Lê Trọng Sang - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH nêu một con số khiến các tỉnh ngậm ngùi: “Thành phố hiện có 60 liệt sĩ không có thân nhân - và tôi tin rằng các tỉnh khác con số này cũng khá nhiều. Bằng Tổ quốc ghi công của các anh đang nằm trong các phòng truyền thống ở địa phương hoặc đưa lên chùa. Phiếu rà soát chưa thể hiện được trường hợp này thì có thể dẫn tới sót, lọt. Vì thế, cần có quy định về cơ quan kê khai các liệt sĩ, NCC không có thân nhân”.
Bà Vũ Thị Ngọc Liên- Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Bình Thuận nêu thực tế, nhiều cựu TNXP không còn ở quê cũ nên khi về quê xác nhận thời gian bắt đầu đi TNXP thì cán bộ UBND xã từ chối vì không biết quá trình họ đi TNXP nên không được hưởng chính sách; cho dù có kê khai thì cũng không có ý nghĩa khi mà hồ sơ của họ đã bị từ chối.
Đại diện Sở LĐTBXH Nam Định thì nêu thực tế số lượng người có công di biến động rất mạnh, có người mất, có người chuyển đi, riêng tỉnh Nam Định trong 1 tháng có ít nhất 50 hồ sơ người có công di chuyển. Rà soát trong bối cảnh đó thì số liệu khó chính xác...
Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ghi nhận hết các ý kiến. Bà đề nghị các Sở LĐTBXH tập huấn các tổ rà soát để người thực hiện rà soát phải đảm bảo nắm rõ những chính sách hiện hành cho NCC và chính sách qua từng thời kỳ. Bà Chuyền khẳng định: “Khó cũng phải làm, và phải làm kỹ bởi số liệu không thống nhất, không chính xác thì không có ý nghĩa”.
Huyền Thanh (Huyền Thanh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.