Ra trường đúng mùa dịch, sinh viên "khóc ròng"

Thùy Anh - Lê Xuyến Thứ sáu, ngày 03/09/2021 10:19 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ảnh đã khiến hàng loạt sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, hoặc có việc làm cũng đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, cuộc sống muôn vàn khó khăn.
Bình luận 0

Chỉ biết chờ dịch qua...

Nguyễn Thị Linh Giang (22 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa chuyển ra ở trọ và bắt đầu cuộc sống tự lập. Trước đó, cô ở nhà anh trai, không phải lo lắng về tiền bạc. Từ năm thứ nhất đến năm thứ ba đại học, ngoài việc học trên trường, cô tích lũy được 50 triệu đồng từ công việc hướng hướng dẫn du lịch cho người nước ngoài. Giang chia sẻ: “Mình nghĩ rằng khoảng thời gian mới ra trường tìm việc sẽ khó khăn, đây sẽ là khoản cứu cánh cho mình.”

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hướng dẫn viên cả chuyên lẫn không chuyên đều chuyển nghề bán hàng online. Không có thiên phú buôn bán, đầu năm 2021, Giang chuyển sang làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh. Ra trường, cô chuyển khỏi nhà anh trai.

Nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đã đối mặt nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: L.X

Nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đã đối mặt nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: L.X

Từ tháng 4 đến nay dịch bùng trở lại, 4 tháng trung tâm tiếng Anh đóng cửa là 4 tháng Giang thất nghiệp. Không còn trợ cấp từ gia đình, Giang phải đụng đến số tiền quy hoạch cho tương lai. Tiền cứ ngày một vơi mà ước mơ tiếp viên hàng không trước khi vào đại học với Giang cũng phải dừng lại vì ngành hàng không và du lịch vẫn chưa thể mở cửa trở lại vì đại dịch Covid-19.

Cách Giang nửa vòng thành phố, 1 năm nay Hà Ngân Vi (23 tuổi, tốt nghiệp 1 năm trước tại Thanh Xuân, Hà Nội) nộp hồ sơ tìm việc rồi nhảy việc khắp nơi nhưng chẳng ở đâu cô dừng lại quá 2 tháng. Có những chỗ Vi cảm thấy lương quá thấp, không phát huy được năng lực. Có những nơi môi trường làm việc “đấu đá”, cạnh tranh ngầm, kèn cựa, chèn ép nhân viên mới. Những nơi lương cao thì lại đòi hỏi quá nhiều kỹ năng mà Vi chưa đáp ứng được nên cô cũng nản và bỏ chỉ sau 2 tháng thử việc. 

Hiện tại, ngõ nhà Vi bị phong tỏa do có ca mắc Covid. Vi đang ở nhà học nâng cao tiếng Trung để tìm một công việc phù hợp sau khi hết dịch. Khi được hỏi là định làm việc gì trong thời gian tới Vi lặng đi: “Việc đến đâu thì đến, thôi thì chờ dịch qua...”. 

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 12,8 triệu người bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Nhóm sinh viên mới tốt nghiệp chính là người chịu tác động nặng nề nhất nhưng chưa được thống kê chính thức.

Có việc cũng bấp bênh, giảm thu nhập

May mắn hơn 2 bạn trẻ ở trên, trước khi ra trường 2 tháng, Nguyễn Văn Tiến (Đống Đa, Hà Nội) đã tìm được một công việc đúng chuyên ngành. Doanh nghiệp hứa hẹn lương 15 triệu/tháng, trừ đi 5 triệu/tháng để mua cổ phiếu của công ty, Tiến sẽ nhận mức lương 10 triệu/tháng. Sau 2 tháng đầu thử việc, mỗi tháng Tiến nhận 2 triệu, cùng với số tiền bố mẹ chu cấp, Tiến đủ tiền để trang trải cuộc sống.

Ra trường, Tiến không được chu cấp nữa thì Covid ập đến, doanh nghiệp “cắt” 50% lương, giảm một số phụ phí, số tiền thực nhận là 4 triệu đồng. “Mình biết mình mới ra trường, mình cố nhịn để có nhiều kinh nghiệm, ổn định và có cơ hội phát triển nhưng mình càng cố gắng thì mọi thứ càng không như ý. Bây giờ mình đang nợ tiền nhà và không biết phải làm gì trong tháng tiếp theo. Mình tính bỏ việc này để làm việc khác, mức lương chỉ khoảng 7 triệu đồng thôi nhưng ít ra ổn định hơn công việc này” Tiến tâm sự.

Tốt nghiệp đúng lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên đã chấp nhận làm trái ngành nghề để có thu nhập nhưng cũng chịu cảnh thất nghiệp do nhiều tỉnh thành giãn cách. Ảnh: Hương Thương

Tốt nghiệp đúng lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên đã chấp nhận làm trái ngành nghề để có thu nhập nhưng cũng chịu cảnh thất nghiệp do nhiều tỉnh thành giãn cách. Ảnh: Hương Thương

Tiến đang làm marketing cho một startup mới mở nên khi đứng trước dịch bệnh, startup đón đầu cơn sóng dữ, công ty không có việc để làm. Sếp muốn duy trì công việc một cách tối thiểu chỉ để tồn tại nhưng lương 4 triệu chả thấm vào đâu so với mức sống đắt đỏ ở Hà Nội.

Bi đát hơn Tiến, Nguyễn Văn Tam (Sinh viên trường CĐ Du Lịch Hà Nội) còn rơi vào cảnh có việc cũng như không. Mơ ước thành quản lý của khách sạn 5 sao dần tắt khi ngành du lịch phải đóng cửa. Tốt nghiệp được một năm nhưng Tam phải ngồi nhà chạy quảng cáo.

"Lúc đầu em thấy mấy anh chị làm nghề này kêu chạy quảng cáo trực tuyến cũng ra tiền. Nếu trúng đơn, rà được đúng mặt hàng khách mua nhiều mỗi tháng kiếm được vài chục triệu là bình thường. Vậy nhưng làm mãi, làm mãi đã 3-4 tháng nay mà chưa một lần 'trúng quả" như lời đồn", Tam nói.

Lương không có, tiền hoa hồng cũng không có, hiện giờ Tam chủ yếu sống bằng nguồn trợ cấp cộng tác viên, tháng 2 triệu đồng. Nhiều lần em xin bạn bè, người thân và cả cộng đồng cứu trợ.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Lao động cho rằng không khó để bắt gặp những sinh viên như trong câu chuyện mà phóng viên Dân Việt nêu ra ở trên. Sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường đối mặt với rất nhiều khó khăn vì họ không có tích lũy, cũng không có việc làm. Kinh nghiệm làm việc lại thiếu nên rất khó để có thể tìm kiếm việc làm trong bối cảnh hiện tại.

Bà Hương cũng cho biết, dịch bệnh không chỉ khiến việc làm cũ mất đi mà khiến cho việc tạo ra việc làm mới gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động thất nghiệp, mất việc làm cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trên diện rộng, trên khắp cả nước, kèm theo đó là lệnh giãn cách tại nhiều đô thị lớn đã khiến cho thị trường lao động gần như đóng băng.

"Cần sớm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động. Không chỉ dừng lại các chính sách hỗ trợ lao động mà cần phải có giải pháp chuyển đổi số để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Bởi vì đây sẽ là lực lượng lao động chịu nhiều tác động, nhiều khó khăn nhất", bà Hương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem