Rác thải: Nguyên liệu chủ lực cho ngành công nghiệp tái chế

P.V Thứ sáu, ngày 20/07/2018 09:53 AM (GMT+7)
Rác thải là một nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì vậy, các công ty sản xuất cần đầu tư công nghệ tái chế rác hiện đại để tận dụng tối đa nguồn “tài nguyên” vốn bị bỏ quên này, góp phần tích cực trong việc tạo ra sản phẩm, năng lượng mới, đóng góp đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Nhập khẩu rác thải là hoạt động thương mại quan trọng

Rác thải nếu không được tái sử dụng sẽ là mối nguy cho môi trường. Do đó, tái chế rác thải trở thành mục tiêu quan trọng trong hoạt động sản xuất của nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, để duy trì hoạt động của ngành công nghiệp này, nhiều quốc gia phải nhập khẩu đến hàng triệu tấn rác thải/năm, trong đó có Trung Quốc.

img

Tái chế rác là hoạt động sản xuất thường xuyên của ngành công nghiệp nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, tháng 7.2017, Trung Quốc thông báo đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là sẽ ngưng nhập khẩu 24 loại chất thải rắn, trong đó chủ yếu là các loại nhựa và giấy phế liệu. Động thái khá đột ngột của Trung Quốc đã làm các quốc gia xuất khẩu các loại phế liệu, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu bối rối vì không biết nên xử lý như thế nào với lượng phế liệu mà Trung Quốc giảm nhập, ước tính lên đến 75.000 TEU/tháng.

Theo đó, các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trở thành điểm đến của lượng phế liệu này. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nhìn nhận dưới góc độ khách quan, nhất là khi loại rác thải mà Việt Nam nhập khẩu đa phần là giấy phế liệu có khả năng tái chế phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nhu cầu sử dụng nguyên liệu phế thải cho ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam gia tăng từ 10-20%/năm. Lĩnh vực sử dụng nguyên liệu tái chế phổ biến nhất có thể kể đến ngành nhựa và ngành giấy.

Theo quy hoạch phát triển ngành nhựa của Bộ Công Thương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, một trong những định hướng phát triển ngành nhựa là khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải. 

Riêng trong ngành giấy, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất giấy nên chuyển hướng sang thu gom giấy phế liệu và tái chế giấy.

img

Sử dụng nguyên liệu tái chế đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước. Nguồn: Internet.

Rõ ràng, nhập khẩu rác thải là hoạt động thương mại quan trọng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam thiếu nguồn cung, nhất là trong ngành giấy. Thực tế thì giấy phế liệu ở Việt Nam hiện mới đáp ứng được 20% nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy, số còn lại phải nhập khẩu.

Khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực

img

Để giảm ô nhiễm và đồng thời phục vụ sản xuất, các nhà máy giấy cần cân nhắc sử dụng nguồn “tài nguyên rác tái chế”.

Theo tính toán của các chuyên gia, tái chế 1 tấn giấy tiết kiệm được 24 cây nguyên liệu, 40.000 lít nước, 4.000 kw giờ điện, 900 gam CO2... và hơn nữa là sẽ giảm được nạn phá rừng để lấy nguyên liệu, giảm đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, bài toán cho nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chưa có lời giải khi hoạt động thu gom phế liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa được tổ chức quy mô lớn như các nước tiên tiến. Hơn nữa, việc phân loại phế liệu cũng “lộn xộn”.

Bản thân doanh nghiệp, muốn phát triển sản xuất, buộc phải đảm bảo đầu vào và tất yếu, nhập khẩu phế liệu là một giải pháp bắt buộc. Ví dụ như Công ty giấy Lee&Man tại Hậu Giang, một doanh nghiệp sản xuất giấy với chủ trương sử dụng 90% nguyên liệu là giấy tái chế, có năng lực tái chế tốt, hệ thống công nghệ hiện đại, tuy nhiên lượng giấy tái chế trong nước không đủ cung ứng, buộc họ phải nhập khẩu.

Do đó, bài toán cho nguồn nguyên liệu của ngành tái chế vẫn còn gây “đau đầu”, xuất phát từ nguyên nhân là không có ngành công nghiệp hỗ trợ cho hoạt động tái chế. Đa số các máy móc, thiết bị và hóa chất đều được tự chế hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, khó kiểm soát. Các doanh nghiệp tái chế ở Việt Nam hiện còn vướng một rào cản nữa là có khung pháp lý phù hợp để hỗ trợ họ, đặc biệt là trong giám sát sản xuất, hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm.

img

Quy mô sản xuất tuy lớn nhưng ít hao tốn tại nhà máy Lee&Man.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi quan điểm và cách nhìn về chất thải và tái chế chất thải. Lấy tái chế là nội dung trọng tâm và không thể tách rời trong chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường. Công nghệ tái chế chất thải cần được ưu tiên phát triển theo xu thế hướng đến việc xoay vòng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Mặt khác, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực tái chế tốt với kỹ thuật tiên tiến, hoạt động hiệu quả. Được biết, nhà máy Lee&Man đã đầu tư hơn 650 triệu đô la Mỹ cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì hiện đại nhất thế giới từ giấy tái chế với công suất 420 ngàn tấn/năm. Mức độ tự động hoá cao của nhà máy cho phép Lee&Man sử dụng ít năng lượng và tiêu thụ nước ở mức rất thấp đối với một đơn vị sản xuất giấy bao bì.

Điều đáng nói là dù nguyên liệu đầu vào là giấy phế liệu nhưng thành phẩm mà nhà máy Lee&Man đưa ra thị trường lại là giấy bao bì cao cấp, đủ chất lượng xuất khẩu. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi lâu nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được giấy tissue thành phẩm (giấy ăn, giấy vệ sinh) cho thị trường dễ tính và gia công cho một số thị trường khác.

Thực tế trên cho thấy, cần nhìn nhận rác thải như một nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Các công ty sản xuất cần đầu tư công nghệ tái chế rác hiện đại để tận dụng tối đa nguồn “tài nguyên” vốn bị bỏ quên này, góp phần tích cực trong việc tạo ra sản phẩm, năng lượng mới, đồng thời đóng góp đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem