Rằm tháng Bảy: Tôn vinh lòng hiếu thảo

Thứ ba, ngày 24/08/2010 10:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mang nhiều ý nghĩa như xá tội vong nhân, Vu Lan báo hiếu, ngày Rằm tháng Bảy này, nhiều người dân và các nhà chùa tổ chức các hoạt động tôn vinh chữ hiếu, xoa dịu nỗi đau cho những người bất hạnh.
Bình luận 0
img
Lễ Vu Lan, nhiều bạn trẻ đến chùa thắp nhang, cầu nguyện.

Ngày tụ họp gia đình

Chị Nguyễn Thu Huyền ở khu tập thể Khương Trung, Hà Nội tâm sự, nhà chị có 4 anh chị em, tất cả đã trưởng thành, nhưng năm nào cũng vậy, cứ gần đến Rằm tháng Bảy tất cả anh chị em dù có bận bịu đến mấy cũng vẫn dành thời gian về thăm bố mẹ. Bố mẹ chị thường chuẩn bị mâm cơm để thắp hương ông bà tổ tiên, sau đó là con cháu hưởng lộc. Theo chị Huyền, con cháu quây quần cũng là cách thể hiện chữ hiếu.

Việc đốt vàng mã dịp Rằm tháng Bảy đôi khi cũng xuất phát từ chữ “hiếu”. Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ một quán cá đường ven Hồ Tây thắp hương từ sáng sớm ngày 12 âm lịch với lễ mặn, ngọt và cả nhà tầng, ô tô giấy.

Anh cho hay, khi còn sống, nhà dột nát bố mẹ chỉ ao ước làm được một căn nhà xây đổ mái bằng để khỏi phải dùng chậu hứng nước dột mỗi đêm. Nguyện ước của bố mẹ đến giờ gia đình có điều kiện thực hiện thì họ đã không còn sống để hưởng, vậy nên anh “gửi” nhà cho các cụ yên lòng.

Tại các chùa Quán Sứ, chùa Hà, Phủ Tây Hồ... ngày rằm trong tháng bình thường đã đông khách, ngày Rằm tháng Bảy lại càng đông người đến lễ Phật hơn, bởi đây là ngày mọi người đều quan niệm người thân nơi suối vàng dễ nhận được lời cầu nguyện nhất.

Nỗi niềm những người con

Để xoa dịu khổ đau cho những người thiếu may mắn, qua đó thể hiện lòng từ bi đối với những người còn sống, Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế đã về các vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh như A Lưới, Nam Đông, thậm chí ra tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thăm các bệnh nhân, các hộ neo đơn, gia đình khó khăn, để giúp đỡ, động viên khuyến khích tinh thần các đạo hữu nghèo.

Tại TP. HCM, không khí Lễ Vu lan đã rất rộn ràng. Anh Thanh Tâm, thợ chụp hình ở chùa Việt Nam Quốc Tự, Đường 3/2, phường 10, quận 10 cho biết: “Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ 4 giờ chiều là người dân đến kín cổng chùa. Chiều nay (23-8) và ngày mai người đến thắp nhang sợ không có chỗ đứng luôn”.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 17, quận 3 các thầy đã dựng sẵn một chiếc cầu bằng vải trắng. Trước cầu có đặt một bể nước lớn để người dân thả hoa sen, đèn và tiền.

Theo các thầy, Rằm tháng Bảy cũng là ngày để nhiều người đến cầu nguyện cho những linh hồn được siêu thoát. Những ai may mắn còn cha mẹ thì lễ Vu Lan là dịp để thể hiện lòng biết ơn với đấng sinh thành. Nhưng những người không may cha mẹ mất sớm, thì ngày lễ lại là ngày họ thấy ngậm ngùi.

Chị Út, thợ chụp hình ở chùa Vĩnh Nghiêm, thổ lộ: “Nhìn người ta cùng cha mẹ lên chùa thắp nhang mà tôi thấy buồn. Cha mẹ tôi mất sớm. Từ sáng, tôi đã thắp nhang tưởng niệm. Tối nay, tôi tranh thủ về nấu bữa cơm để cúng cha mẹ”.

Rằm tháng Bảy, trong tín ngưỡng người dân còn là ngày xá tội. Từ Viện dưỡng lão Thị Nghè, phường 17, quận Bình Thạnh, bà Chín cùng đứa cháu nhỏ bị bệnh bại não bắt xe buýt đến chùa Xá Lợi. Bà Chín tâm sự: “Con trai của tôi sau khi lấy vợ, sinh đứa con đầu tiên bị bại não. Thấy vậy hai vợ chồng li dị nhau rồi bỏ luôn đứa con cho tôi. Hơn 10 năm nay, tôi một mình nuôi cháu nhỏ bệnh tật. Lễ này, tôi đến chùa cầu nguyện cho cháu được mạnh khỏe. Lỡ mai tôi mất đi, cháu sẽ tìm được chỗ nương tựa”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem