B Ray (Trần Thiện Thanh Bảo) - sinh năm 1993 - thuộc thế hệ rapper nổi lên từ những năm 2013, 2014. Anh khởi đầu sự nghiệp bằng các bản rap đậm chất đời, tham gia các trận beef (rap chiến) ở cộng đồng underground. Gần đây, chủ nhân hit Con trai cưng tiến thêm một bước để đến mainstream và tiếp tục ghi dấu ấn.
B Ray là rapper cá tính, đa màu sắc bậc nhất trong giới rap Việt. Những sản phẩm của anh, từ rap diss (rap công kích), rap về cuộc sống, tình yêu hay châm biếm các vấn đề xã hội đều thu hút lượng views ấn tượng. Trong đó, 2 bản nhạc Ex's Hate Me và Anh nhà ở đâu thế - kết hợp với AMEE - đưa tên tuổi B Ray lan tỏa mạnh nhất.
Thông qua Zing, B Ray trải lòng về chặng đường dài theo đuổi rap. Anh thẳng thắn nêu góc nhìn về chuyện chất hay không chất khi rap ở mainstream, đồng thời nhắc lại cái duyên như được sắp đặt sẵn để AMEE góp giọng ở Ex's Hate Me.
Trong giai đoạn thị trường nhạc Việt đóng băng, anh bị ảnh hưởng thế nào?
- Sự nghiệp của tôi tạm thời ngắt quãng. Không chỉ riêng tôi, mà phần lớn những người làm nhạc bị ảnh hưởng, do đó phải "án binh" để chờ thị trường trở lại. Về phần mình, tôi vẫn làm nhạc, nhưng tối giản công đoạn. Bản nhạc buồn - sản phẩm mới nhất của tôi - được phát hành đơn giản, không có MV.
Được trải qua giai đoạn tĩnh lặng như hiện tại cũng có yếu tố tích cực. Chúng tôi có thời gian để nhìn lại chặng đường đã qua, xác định xem đã làm được gì và chưa được ở điểm nào.
Tôi nhớ lại hành trình trưởng thành từ underground, sau đó bất ngờ nổi tiếng nhờ Ex's Hate Me và Anh nhà ở đâu thế. Cú thay đổi quá nhanh khiến tôi bị cuốn vào guồng làm việc mới. Tôi được nhiều khán giả đại chúng ủng hộ, nhưng cũng lãng quên một bộ phận khán giả từng theo chân mình từ những ngày đầu. Đó là điểm chưa được mà tôi ngẫm ra ở giai đoạn này và dặn lòng sẽ thay đổi khi trở lại.
B Ray trong ''Bản nhạc buồn'' là sự nhẹ nhàng từ chất giọng và nội dung bài hát. Gần đây, các sản phẩm của B Ray cũng không còn gắt gỏng như trước. Anh đã thay đổi?
- Đúng vậy, những khán giả nghe B Ray rap từ những ngày đầu sẽ cảm nhận điều đó. Ai rồi cũng trưởng thành. B Ray của hiện tại không rap theo kiểu la hét, gồng lên như trước, mà nhẹ nhàng hơn. Tôi nghĩ đó là quy luật tự nhiên, bởi nhiều rapper trong giới cũng đi qua giai đoạn như vậy, kể cả rapper nước ngoài.
Eminem là thần tượng của tôi. Anh ấy từng là rapper ngông cuồng, coi trời bằng vung. Nhưng Eminem giải nghệ, rồi trở lại, khiến fan bất ngờ vì thay đổi hoàn toàn theo hướng trưởng thành. Sự trưởng thành là yếu tố cần có trong âm nhạc nói chung và rap nói riêng, bởi cố chấp chỉ khiến người làm nhạc bị cái tôi gò bó.
- B Ray giai đoạn 5-6 năm trước rất hăng hái trong những trận beef (rap chiến), nhưng mất hút từ khá lâu. Giả sử bị một rapper khiêu khích ngay lúc này, B Ray xử lý thế nào?
- Các trận beef là văn hóa của rap. Những rapper hàng đầu trên thị trường rap Việt đều từng kinh qua ít nhất một trận beef nóng bỏng. B Ray giờ đây đã khác, nhưng nếu có người khiêu khích, tôi không ngại đáp trả. Sự khác biệt là tôi phải nhìn xem đối thủ đó như thế nào, có đáng để lao vào trận beef hay không, thay vì máu chiến như trước.
Thời trai trẻ, tôi diss những rapper đàn anh nổi tiếng hơn. Họ cân nhắc xem có đáng để đáp trả B Ray không. Giờ đây, tôi cũng phải cân nhắc ngược lại.
Những trận beef ngày xưa thường chỉ gói gọn ở cộng đồng underground. Gần đây, khi ICD và Tage đấu nhau - các bản diss lan tỏa không kém hit của ca sĩ. Anh nghĩ sao về hiện tượng này?
- Đây là sự phát triển của rap Việt đối với khán giả đại chúng. Ngày trước, các trận beef thường diễn ra ở các diễn đàn rap, và chỉ những người đam mê bộ môn này hiểu và hưởng ứng. Còn bây giờ, nó tiếp cận lượng khán giả quá đông, mà phần lớn có lẽ chưa nắm rõ thế nào là beef và tại sao đây được gọi là văn hóa rap.
Các trận beef gần đây lan tỏa nhiều hơn, nhưng cũng có tiêu cực, vì khán giả đại chúng chưa quen với câu từ và tinh thần trong rap diss. Tôi nghĩ chuyện đó không là vấn đề. Beef là văn hóa rap, dần dần khán giả đại chúng sẽ hiểu và cởi mở với nó. Ngày trước, rap bị gọi là nhạc chế, không có giá trị, nhưng bây giờ được số đông công nhận.
Các rapper hãy tiếp tục giữ văn hóa rap chiến và rồi thời gian sẽ làm thay đổi tất cả.
Cộng đồng rap thường rôm rả khái niệm: "Mất chất khi bỏ underground lên mainstream". Anh nghĩ quan niệm đó có đúng?
- Hãy nhìn các rapper hàng đầu bây giờ, họ bùng nổ ở mainstream nhưng đâu mất chất? Thậm chí các rapper đó tiếp tục sáng tạo theo kiểu khác và tiến tới cấp độ chuyên nghiệp để phục vụ số đông khán giả. Bản thân tôi cũng không mất chất, chỉ là thay đổi để cách làm hướng tới đại chúng nhiều hơn.
Ở góc độ khác, vẫn có những vấn đề trái chiều. Khi rap lên ngôi, nhiều bạn trẻ bắt đầu mơ mộng về thể loại này nhiều hơn. Có một số rapper tận dụng hiệu ứng và vào nghề ngay lập tức theo kiểu công nghiệp, khiến giá trị rap suy giảm. Tôi nghĩ một rapper từ underground, trải qua những góc độ đúng chất nhất của rap trước khi vươn đến thị trường sẽ là hình mẫu chuẩn hơn.
Cũng từng có quan niệm: "Rap về tình yêu là không chất"?
- Quan niệm này đã cũ. Tình yêu là một chủ đề của âm nhạc, khi đưa vào rap cũng có cái hay chứ nhỉ?
Rapper J Cole - người tôi thần tượng - đã quan niệm thế này: "Tại sao ở Mỹ rapper không còn rap về tình yêu?". Có lẽ một số fan rap đã thần tượng hóa những rapper Âu - Mỹ. Họ quan niệm phải gangster, phải "đời" mới là chất. Nhưng cách tiếp cận của số đông khán giả Việt Nam rất khác.
Chính B Ray là minh chứng của chuyện đó. Trước khi lên mainstream, tôi vẫn rap về tình yêu, chỉ là không nổi bằng những sản phẩm mang tính gai góc. Khi Ex's Hate Me và Anh nhà ở đâu thế nổi lên, nhiều người nghĩ tôi rẽ sang hướng rap về tình yêu. Nhưng thực tế tôi đã làm chuyện đó từ khi chưa nổi tiếng.
Khi nổi tiếng nhờ mainstream, sự nghiệp của anh thay đổi ra sao?
- Sự nghiệp của tôi thay đổi từ bước ngoặt đó. Tôi được nhiều nhãn hàng tìm tới, được làm việc chuyên nghiệp hơn, tiếp xúc với nhiều người và học hỏi được những thứ mới. Ví dụ, ngày trước, tôi chỉ được biểu diễn ở các sân khấu đậm chất underground. Và từ cú xoay chuyển sự nghiệp, tôi được đứng trên các sân khấu hoành tráng hơn.
Cảm xúc ở lần đầu đứng trước hàng nghìn khán giả đại chúng rất khác biệt?
- Đó là màn live Ở trong thành phố trên sân khấu lớn và được trực tiếp ở sóng truyền hình. Cảm giác giống một cầu thủ bóng đá thi đấu ở sân khách vậy. Thời đó, rap chưa quá phổ biến như hiện tại. Tôi đi ra sân khấu và trải nghiệm cảm giác khác hẳn những lần trước. Cảm giác đầu tiên của tôi là sượng (cười).
Trước khi live Ở trong thành phố, tôi đã có thói quen quên lời. Lần này, tôi chọn rap verse 1 để không dính những từ nhạy cảm. Nhưng vì quá run, tôi rap nhầm sang verse 2, khiến kế hoạch đảo lộn, quên lời trên sân khấu và thật sự sượng ở thời điểm đó.
Từ bây giờ, anh nghĩ một rapper mới vào nghề nên hướng tới mục đích gì?
- Khán giả của rap thường nói về khái niệm underground. Nhưng mọi người đừng hiểu lầm underground là dòng nhạc hay cái gì đó để hướng tới, mà đó chỉ là một vùng bó hẹp, hay còn gọi là thế giới ngầm. Nếu là một rapper thật sự muốn phát triển âm nhạc, chẳng ai muốn mãi ở underground. Thay vào đó, hãy hướng tới mainstream vì nhiều mục tiêu lớn hơn.
Nếu không muốn nổi tiếng ở mainstream, các rapper hãy chọn con đường của một nghệ sĩ indie. Nghệ sĩ indie là tự quản lý công việc và đưa ra định hướng cá nhân. Họ có quyền giữ chất của mình nhưng vẫn có cơ hội tiếp cận khán giả đại chúng.
"Ex's Hate Me" là sản phẩm bước ngoặt của anh, đồng thời giúp AMEE lần đầu được biết tới. Cơ duyên nào đưa anh và AMEE tìm đến nhau?
- Đó là cái duyên của tôi và AMEE. Tôi nhớ nhận từ 7-8 vocal (giọng hát) nữ cho đoạn hook của Ex's Hate Me nhưng không ưng ý. Một hôm, người bạn của tôi là Masew tham gia sự kiện và gặp quản lý AMEE. Masew đã gửi cho quản lý của AMEE nghe thử Ex's Hate Me. Sáng hôm sau, AMEE gửi ngay cho tôi đoạn vocal.
Ngay lần đầu nghe giọng AMEE, tôi ấn tượng luôn, kiểu: "Đây rồi, chính là giọng hát mình cần". Thành công của ca khúc giúp cả hai anh em thay đổi sự nghiệp. Nếu không phải là giọng hát AMEE, chưa chắc Ex's Hate Me được khán giả yêu thích nhiều như vậy.
Còn Han Sara trong "Xin đừng nhấc máy", anh ấn tượng gì với giọng ca này?
- Han Sara vui tính, có thể nói là "vựa muối". Cả AMEE và Han Sara là những giọng ca trẻ tuổi, nhưng tài năng, chăm chỉ, nỗ lực hết mình để thành công.
Gần 10 năm nhìn lại, từ những trận beef máu lửa cho đến thành công bước đầu ở mainstream. Ngay lúc này, khi nghĩ lại hành trình đã qua, anh sẽ nói điều gì?
- Có thể nói mọi thứ đến quá nhanh. Tôi không kịp chuẩn bị cho mọi thứ và lao vào guồng thay đổi. Ngay lúc này, tôi muốn đền đáp những khán giả theo chân và ủng hộ tôi từ những ngày đầu. Sau Bản nhạc buồn, tôi sẽ phát hành mixstage theo dòng story telling. Đây là sản phẩm gần như chỉ một mình tôi thực hiện và đã hoàn thành 80%.
Tôi từng sống ở Mỹ và trở về Việt Nam làm nhạc. Mọi thứ không dễ dàng cho tôi, đặc biệt là thích nghi cuộc sống vì gần như không có người thân khi quay về. Trong âm nhạc, tôi có 2 người bạn tri kỷ, có thể nói như anh em ruột của nhau - là Masew và Đạt G. Chúng tôi giúp đỡ nhau để cùng đi lên trong âm nhạc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.