Theo anh Khánh Huy, anh vừa trồng được cây sen cao 4m, cao gấp 2 lần chiều cao con người. Đây vốn là loại sen Tháp Mười thuần chủng được anh sưu tầm ở vùng Gò Tháp (Đồng Tháp) về trồng thử nghiệm.
"Tôi thích bảo tồn các giống sen nên sưu tầm sen Tháp Mười về trồng thử nghiệm. Trong quá trình trồng, để thử đặc tính sống mạnh mẽ của sen, tôi bơm nước vào ao sen cho ngập hết lá sen. Tuy nhiên, hôm sau, lá sen Tháp Mười vượt khỏi mặt nước" - anh Khánh Huy nói.
Anh Khánh Huy nói tiếp: "Không lâu sau, tôi lại tiếp tục bơm nước vào ao cho ngập hết lá sen và thế là ngày hôm sau lá sen lại vượt lên khỏi mặt nước. Tôi thường xuyên làm vậy tới khi mực nước đạt chiều cao 4m và lá sen Tháp Mười vẫn vượt lên trên mặt nước để tìm sự sống".
Theo phóng viên tìm hiểu, anh Khánh Huy trồng thử nghiệm sen Tháp Mười trên 3.000m2. Để tránh nguồn giống sen bị lai sau này, anh phải đem trồng tách biệt xa các ao trồng sen khác. Ngoài phát triển chiều cao, sen Tháp Mười thuần chủng có lá rất to.
"Lá sen rất to, bề hoành lá từ 0,8 -1m, từ 5 - 6 lá là có thể đạt 1 kg. Theo đó, thân cây sen, gương và bông cũng đều to. Do cây sen Tháp Mười có sức sống vượt trội nên không sâu bệnh" - anh Khánh Huy thông tin.
Anh Khánh Huy cho hay, hiện nay, sen Tháp Mười thuần chủng rất hiếm, phần lớn sen được trồng để lấy gương và làm du lịch ở Đồng Tháp bị lai các giống sen khác. Những giống sen lai này trồng trên ruộng lúa cao từ 0,8-1m, nếu có nước dâng lên, thân và lá sen lai cũng sẽ cố vượt lên nhưng không cao quá 1,5m.
Ngoài diện tích trồng sen Tháp Mười thử nghiệm nói trên, anh Khánh Huy còn sở hữu vùng trồng sen nguyên liệu rộng lớn khác. Đối với vùng trồng sen nguyên liệu rộng lớn này, anh Khánh Huy dùng để sản xuất ra hơn 20 sản phẩm từ sen, phân phối khắp cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.