Những ngày qua, báo chí đã thông tin về tình trạng lãng phí tiền tỷ trong việc thực hiện “Dự án điện mặt trời” cho 70 xã đặc biệt khó khăn do chủ đầu tư là Ủy ban Dân tộc thực hiện. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh (ảnh) - Giám đốc Ban quản lý Dự án điện mặt trời.
“Hoàn thành” và “cơ bản hoàn thành”
Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: Nhìn chung thông tin trên báo chí vừa qua đưa không sai, tuy nhiên ở đây các nhà báo có thể chưa hiểu đúng và hiểu hết vấn đề. Ngày 9.3.2013, theo kế hoạch định trước, chúng tôi lên xã Háng Đồng (khi chưa hề biết về thông tin phản ánh trên mạng) để nhận bàn giao mặt bằng và tiến hành thi công 5 trạm điện mặt trời và cho đến ngày 19.3 thì xong.
|
Lắp đặt hệ thống pin mặt trời cho người dân A Vương, Quảng Nam (ảnh minh họa). |
Chỉ còn một trạm thu phát truyền hình mãi hôm 6.5 vừa rồi, xã mới tiếp tục bàn giao mặt bằng để thi công và dự kiến sẽ hoàn thành trong vài ngày nữa để đưa vào sử dụng. Còn ở xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn), cuối năm 2012 và đầu năm 2013, chúng tôi đã tiến hành lắp đặt 4 trạm. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 5 sẽ hoàn thành nốt các trạm còn lại.
Đại sứ quán Phần Lan (đại diện cho Chính phủ Phần Lan) đã đánh giá cao những thành công của dự án và nhận định dự án được hoàn thành với tiến độ nhanh. Phía bạn cũng nhắc đến những rủi ro mà báo chí nêu và động viên chúng tôi nhanh chóng khắc phục và hoàn thiện tốt dự án.
Ông Nguyễn Văn Thanh
Nhưng trong báo cáo chỉ đạo điều hành công tác dân tộc 2012 và nhiệm vụ 2013 (số 104/BC-UBDT ngày 3.12.2012), có khẳng định dự án đã được hoàn thành tại 70 xã, đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2012. Có mâu thuẫn gì không, thưa ông?
- Từ việc này, chúng tôi đã rút ra những bài học kinh nghiệm để lần sau sẽ làm chặt chẽ hơn, để không xảy ra trường hợp tương tự. Thực tế là, trong 70 xã với tổng cộng 420 công trình (mỗi xã 6 công trình), đến tháng 7.2011, chúng tôi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình ở 66 xã, chỉ còn lại 4 xã. Đến cuối năm 2012 đã lắp đặt xong thêm 2 xã nữa, chỉ còn 2 xã Háng Đồng, Chiềng Nơi (Sơn La).
Ở 2 xã này, các thiết bị đã chuyển lên từ cuối năm 2011, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc chưa có mặt bằng để lắp đặt trạm điện (vì xã Háng Đồng vừa được tách ra, còn nhiều khó khăn, thậm chí còn chưa có mặt bằng để xây trụ sở UBND xã – NV). Như vậy, nói đúng ra thì đến cuối năm 2012, chúng tôi mới cơ bản hoàn thành dự án chứ không phải là hoàn thành.
Theo phản ánh của báo chí, nhiều hòm thiết bị của dự án trị giá hàng tỷ đồng nằm đắp chiếu hay phơi mưa nắng cả năm nay, nhiều công trình trạm điện xây xong bỏ hoang, rất lãng phí… Ông đánh giá thế nào về những nhận định này?
- Tất cả các công trình thuộc dự án khi hoàn thành đều được các cơ quan tư vấn giám sát, địa phương, chuyên gia và các đơn vị liên quan nghiệm thu, sau đó gửi cho Ủy ban Dân tộc. Ủy ban xem xét rồi mới phối hợp với địa phương tiến hành thủ tục bàn giao. Đến nay dự án vẫn chưa kết thúc nên chưa có việc đã thanh quyết toán như báo chí đã nêu.
Còn việc các thiết bị chưa lắp đặt để ngoài trời dễ gây hư hỏng lãng phí thì tôi xin giải thích, với điều kiện khó khăn của các xã trên thì việc lo mặt bằng, nhà xưởng để bảo quản là bất khả kháng. Tuy nhiên, trừ một số tủ, thiết bị điện cần bảo quản trong nhà, còn lại các thiết bị khác đều để lắp đặt ngoài trời nên cũng không đáng lo về mức độ hư hại.
Khuyến khích sử dụng điện mặt trời
Nhưng trên thực tế vẫn có những công trình dang dở, bỏ hoang. Phải chăng việc lựa chọn đối tượng, địa điểm đầu tư không hiệu quả vì có địa phương đã có điện lưới nhưng vẫn được đầu tư xây trạm điện mặt trời?
- Sau khi bàn giao, địa phương phải có trách nhiệm bảo quản vì đã gần hai năm bàn giao rồi. Còn việc tiếp thu bảo quản tốt hay dở là do địa phương… Mới đây, một xã ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã đề nghị chúng tôi chuyển trạm điện mặt trời vì họ sắp được đầu tư điện lưới.
Vấn đề này, trong quyết định phê duyệt của Ủy ban Dân tộc có ghi rõ, trong tương lai địa phương nào đã được đầu tư điện mặt trời mà có điện lưới, thì sẽ chuyển trạm điện mặt trời cho địa phương khác, làm sao sử dụng thật hiệu quả mà tiết kiệm. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Công Thương trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khu vực miền núi nên sử dụng song song 2 nguồn điện, vừa giảm rủi ro như mất điện, vừa giảm chi phí cho người dân.
Trên báo chí, phía Đại sứ quán Phần Lan cho biết sẽ tiến hành thanh kiểm tra dự án sau khi có những thông tin phản ánh trên?
- Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa được phía Phần Lan thông báo về việc kiểm tra này, nhưng bản thân tôi rất muốn có một cuộc thanh tra để làm rõ vấn đề. Còn trước đó, từ cuối năm 2012, đã có đoàn kiểm tra do Vụ Kế hoạch - Tài chính (Ủy ban Dân tộc) đi kiểm tra từng trạm, từng hạng mục công trình của từng xã. Cùng với đó còn có báo cáo kiểm tra của cơ quan kiểm toán đối với những thủ tục liên quan đến quá trình triển khai dự án để làm căn cứ làm các thủ tục thanh toán, quyết toán dự án.
Đầu tuần vừa rồi (13.5), phía kiểm toán đã đưa ra một dự thảo báo cáo trong đó có nhiều nội dung: Cụ thể như về thủ tục triển khai thực hiện, họ khẳng định dự án hoàn toàn theo đúng công trình; các vấn đề liên quan đến thủ tục tài chính, thanh quyết toán cho các đơn vị, nhà thầu đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không có nội dung chi nào vượt dự toán hoặc thiếu thủ tục. Tất cả chứng từ liên quan đến toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án đến thời điểm kiểm toán đều đúng theo quy định…
Là người trực tiếp quản lý và thực hiện dự án, qua “sự cố” này, ông rút ra điều gì?
- Ngoài việc phải rút kinh nghiệm trong việc triển khai, xử lý công việc để tránh những rủi ro, sai sót đáng tiếc, tôi cũng muốn nói rằng, hiện vẫn còn nhiều vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không thể có điện lưới quốc gia, trong khi bà con vẫn cần điện thắp sáng, mà điện mặt trời vẫn là giải pháp tối ưu. Vì vậy, giải pháp này rất cần khuyến khích sử dụng. Không nên vì một số sai sót nhỏ mà làm ảnh hưởng đến cả một dự án đang mang nhiều lợi ích đến cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa…
Xin cảm ơn ông!
Hòa Bình (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.