Đề án này ra đời, có nghĩa là hiện còn khá nhiều bà mẹ ở VN chưa đủ kỹ năng chăm sóc con cái, thưa bà?
- Không hẳn vậy, phụ nữ VN đã và đang nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, vun đắp gia đình hạnh phúc.
Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ của nhiều bà mẹ thường làm theo kinh nghiệm và ít quan tâm tới khoa học, tâm lý...
Đề án này góp phần tuyên truyền, cung cấp thông tin giúp chị em hoàn thiện kỹ năng. Vì thế, khâu đột phá trong đề án chính là ưu tiên cho việc giáo dục những người mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên để nâng cao nhận thức trong việc nuôi và dạy con.
Đề án hướng tới 3 mục tiêu lớn: Giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng; truyền đạt kỹ năng giáo dục nuôi dạy trẻ vị thành niên để giảm tỷ lệ trẻ nạo phá thai tuổi vị thành niên, giảm nạn bạo hành học đường… ; giảm tỷ lệ bà mẹ nuôi con thiếu dinh dưỡng, thấp còi.
Hiện đề án này đang được triển khai thế nào, thưa bà?
- Hiện nay, sau gần 5 tháng thực hiện đề án đang bước vào giai đoạn điều tra khảo sát, qua đó thống kê các nhóm đối tượng chính, đồng thời lên kế hoạch từng nội dung bồi dưỡng tuyên truyền trong các mô hình điểm ở từng tỉnh, thành.
Đề án đã chọn ra 14 tỉnh, thành trong cả nước làm mô hình điểm. Theo đó, phấn đấu đến năm 2013 kết thúc sớm đề án và triển khai rộng khắp trong cả nước.
Đề án đặt mục tiêu đào tạo 5 triệu bà mẹ nhưng chỉ có 2 triệu ông bố được tiếp cận. Tại sao lại có sự chênh lệch như vậy?
Theo đề án, nội dung giáo dục, bồi dưỡng gồm: Các kiến thức về nuôi con theo khoa học (dinh dưỡng cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em...); phương pháp dạy con như: Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, giáo dục trẻ vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em...; tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, bình đẳng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.
- Trong gia đình, bố mẹ đều bình đẳng như nhau. Nhưng sở dĩ đề án chú ý đào tạo cho các bà mẹ nhiều hơn các ông bố vì tuy con cái đòi hỏi sự hiện diện của người bố nhưng người mẹ bao giờ cũng có vai trò quan trọng đặc biệt trong gia đình.
Bản thân người mẹ thường dành nhiều thời gian hơn cho con cái trong tất cả mọi vấn đề, từ bếp núc, chăm sóc, tư vấn, học hành... Do đó, việc chọn 5 triệu phụ nữ để tuyên truyền, bồi dưỡng trong khi chỉ có 2 triệu ông bố được tiếp cận với đề án cũng là điều dễ hiểu, sát với nhu cầu thực tế cuộc sống.
Thưa bà, phụ nữ nông thôn và vùng đặc biệt khó khăn được hưởng lợi gì từ đề án này?
- Nhóm đối tượng chính đề án hướng tới chính là phụ nữ có con trong tuổi vị thành niên. Nhóm đối tượng phụ nữ ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn là nhóm được ưu tiên để tuyên truyền bồi dưỡng kiến thức. Thông qua đề án này phụ nữ nông thôn được Hội Phụ nữ tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền được hưởng thụ những chính sách dân sinh mà Chính phủ đã ban hành;
Hai là nâng cao ý thức về quyền lợi của họ trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái; Thứ ba là hỗ trợ mô hình, giới thiệu nhiều kiến thức dinh dưỡng để họ nuôi con khoẻ… Đi kèm đó là giúp họ nhận thấy vị thế của mình trong sự phát triển của gia đình và xã hội, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.
Xin cảm ơn bà!
Minh Nguyệt (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.