Resort độc chiếm bãi biển miền Trung - bài cuối: Tỉnh phớt lờ các ý kiến phản biện

Mai Khuê - An Sơn - Đức Tuấn Thứ tư, ngày 20/05/2015 07:02 AM (GMT+7)
Tình trạng dịch vụ độc chiếm bãi biển gây ra sự bất bình của nhiều tầng lớp xã hội. Nhiều cơ quan đã có văn bản phản biện tình trạng này, có tỉnh tiếp thu nhưng phần nhiều là… không quan tâm.
Bình luận 0

Trả lại bãi biển cho người dân

Ở Thừa Thiên – Huế, những phản ánh quyết liệt của người dân đối với tình trạng cát cứ bãi biển đã được chính quyền tiếp thu phần nào.

Ông Nguyễn Lê Quốc Bửu - chuyên viên Chi cục Quản lý đất đai, Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế, người được Sở này ủy quyền cung cấp thông tin với Báo NTNN, cho biết: Việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch và quy hoạch nào cũng nhằm mang lại lợi ích cho người dân. Theo quy hoạch thì khi cấp phép dự án du lịch dọc bờ biển phải chừa đường dân sinh ra biển cho người dân, tuy nhiên việc này có thực hiện được hay không là do công tác quản lý đầu tư của các cơ quan liên quan.

“Do điều kiện kinh tế khó khăn nên quy hoạch như thế nhưng có những cái chưa thực hiện được như mong muốn”- ông Bửu nói.

Theo ông Bửu, việc các khu du lịch nghỉ dưỡng độc quyền chiếm bãi biển như phản ảnh của người dân là việc làm sai, bởi không ai cấp đất bãi biển cho doanh nghiệp kinh doanh.

img
 Nhiều resort, khu du lịch dọc bờ biển Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) coi bãi biển 
là tài sản riêng của mình nên xua đuổi người dân đến tắm, vui chơi. Ảnh:  An Sơn
Ông Bửu cho biết, để giải quyết tình trạng các resort, khu du lịch xây dựng sát nhau liên tục khiến người dân bị bít hết đường ra biển và không có bãi tắm công cộng, Sở TNMT đã xây dựng Dự án “Quy hoạch phân vùng sử dụng đất bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững vùng ven biển đến năm 2025”. Dự án nhằm hạn chế giao đất bãi biển cho các resort, tăng diện tích công cộng, đảm bảo nhu cầu giải trí tắm biển cho cộng đồng dân cư địa phương, giảm bớt căng thẳng của việc thiếu hụt khu vui chơi giải trí công cộng ven biển.

Dự án tạo điều kiện cho người dân địa phương và du khách nếu không có nhu cầu vào các khu resort thì họ vẫn được đi xuống vùng biển để tắm, nghỉ dưỡng và tham gia các hoạt động vui chơi công cộng gắn liền với bãi tắm. Đây cũng là cơ sở để buộc các dự án du lịch mới được cấp phép khi xây dựng phải dành đường xuống biển cho người dân, không được xây dựng 2-3 dự án san sát nhau.

Ngoài làm cơ sở cho việc cấp phép các dự án du lịch ven biển sau này, dự án của Sở sẽ khắc phục hiện tượng các dự án du lịch hiện nay đã bịt đường ra biển. Vì trong quá trình triển khai, nếu thấy dự án du lịch nào đã xây dựng mà bịt đường ra biển của dân thì Sở sẽ đề xuất tỉnh buộc chủ đầu tư dành 5-7m, thậm chí 15-20m một bên để làm đường đi ra biển cho người dân.

Phản biện cứ việc... phản biện

Ở Khánh Hòa, trong giới kiến trúc sư phản đối quyết liệt tình trạng này có ông Bùi Dũng – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa. Ông Dũng cho rằng, đối với quy hoạch kiến trúc phía đông đường Trần Phú, nhất là dự án của Dewan, toàn bộ anh em kiến trúc sư không ủng hộ. Toàn bộ kiến trúc của dự án này đang chống lại mọi quan điểm của giới kiến trúc và quan điểm của nhân loại. Kiến trúc của dự án này đang phá vỡ tất cả đối với lối sống truyền thống của người Việt và cả nhu cầu kiến trúc thế giới hiện đại.

Ông Dũng cho hay: “Chúng tôi đã gửi văn bản phản biện lên tỉnh rồi nhưng tỉnh chỉ tiếp thu một phần, loại bỏ một chút xíu những hạng mục làm nhô ra biển còn lại vẫn giữ hết. Quan điểm của giới kiến trúc chúng tôi là, phía đông đường Trần Phú tuyệt đối không xây dựng các công trình bê tông. Nhưng ý kiến của chúng tôi cũng chỉ ý kiến của hội hè, chưa được chính quyền quan tâm đúng mức”.

Theo ông Bùi Dũng, Nha Trang là thành phố du lịch, không phải là một khu du lịch. Tức là cộng đồng dân cư trong thành phố mới là quan trọng, mọi công trình trên bãi biển phải để phục vụ cộng đồng dân cư sở tại cũng như du khách. Nhưng họ lại có một quan điểm rằng đây là một khu du lịch, công trình trên ấy là phục vụ doanh nghiệp...

Trong khi đó, ông Phạm Văn Chi – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: "Khi quy hoạch TP.Nha Trang, chúng tôi quán triệt bờ biển Nha Trang (bãi cát và công viên biển) là nơi không được xây dựng bất cứ công trình bê tông nào. Đây là khu vực công cộng, để cho toàn dân được hưởng. Làm gì thì làm, xây gì thì xây nhưng tuyệt đối không được đụng đến bờ biển và mặt nước biển Nha Trang".

“Ai cho phép được cắm biển cấm xâm phạm suốt cả bãi biển trung tâm Nha Trang? Bãi biển này là của dân, để cho dân họ hưởng sao lại đi chiếm hết luôn được, sao có thể đi làm chuyện ngang xương vậy…” – ông Chi bức xúc.

Ông Bùi Mau – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Khánh Hòa - cho biết, đơn vị cũng đã có phản biện tình trạng này bằng văn bản lên UBND tỉnh Khánh Hòa nhưng hầu hết những ý kiến phản biện này đã không được chấp nhận.

Tại Phú Yên, giới kiến trúc sư cũng không đồng tình với những gì đang diễn ra với bãi biển quê hương mình. Ông Phan Thanh Liêm - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Phú Yên, cho biết một số khách sạn, khu nghỉ mát dọc đường Độc Lập (Tuy Hòa) đang tiếp tục xin cấp đất từ mặt tiền cơ sở của mình băng ra bãi biển. Riêng ý kiến phản biện của Hội đối với vấn đề “sử dụng bãi biển” là… hết sức khó khăn.

Kiến trúc sư Trần Hoài Nam - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Phú Yên thẳng thắn: “Bãi biển là không gian cộng đồng, người dân bản xứ có quyền đến nghỉ ngơi, tắm biển. Việc Phú Yên cho một số nhà đầu tư thuê đất trên bãi biển, xây dựng kiên cố, rào chắn, không cho người dân đi lại sinh hoạt… là hoàn toàn sai trái”.

Ông Lê Xuân Thân – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “HĐND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp thông tin trả lời cử tri về quy hoạch phía đông đường Trần Phú. Về dự án của Dewan, tôi được biết là tập đoàn này sẽ quy hoạch lại bờ biển phục vụ cộng đồng, đổi lại họ sẽ được làm các khách sạn cao tầng ở phía nam cầu Trần Phú”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem