Reuters: “Cuộc tình Nga-Trung” bền chặt đến mức nào?

Thứ năm, ngày 14/05/2015 16:00 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng Nga không dễ gì chấp nhận một mối quan hệ đối tác “cửa dưới” với Trung Quốc, và Trung Quốc nhiều khả năng cũng không muốn coi Nga là “ông anh lớn” như Moscow trông đợi.
Bình luận 0

Trong cuộc duyệt binh hoành tráng kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại thủ đô Moscow vừa qua, điều dễ nhận thấy là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đã được ưu ái bố trí chỗ ngồi ngay bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin, và hai nguyên thủ này đã có những cuộc trò chuyện rất vui vẻ, thân mật trong buổi lễ.

Mối tình Nga-Trung

Trong tuần này, Trung Quốc sẽ tham gia tập trận hải quân với Nga trên Biển Đen và Địa Trung Hải, thể hiện mối quan hệ ngày càng gắn bó khăng khít giữa hai cường quốc Á-Âu, một mối quan hệ được cho là dựa trên những lợi ích kinh tế và mối đe dọa đến từ trật tự thế giới do Mỹ thống trị.

img
Ông Tập Cận Bình và ông Putin trò chuyện trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít

Có vẻ như trong thời gian trước mắt, “mối tình Nga-Trung” này sẽ ngày một gắn kết hơn. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt mức 100 tỉ USD mỗi năm, chiếm 1/10 kim ngạch thương mại với thế giới đối với Nga và 1/40 đối với Trung Quốc.

Theo sáng kiến Con đường Tơ lụa mà ông Tập đề ra trong cuộc gặp với ông Putin hồi tuần trước, Trung Quốc có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Nga để nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa Trung Quốc qua Nga nhằm tiếp cận với thị trường châu Âu và Trung Đông.

Moscow và Bắc Kinh cũng đã đồng ý theo đuổi 2 đại dự án nhằm đưa khí đốt của Nga tới Trung Quốc, đưa Trung Quốc vượt mặt châu Âu trở thành đối tác mua khí đốt lớn nhất của Nga.

img
Lãnh đạo Nga-Trung ký thỏa thuận lịch sử về khí đốt giữa hai nước

Tuy nhiên, trong một bài phân tích trên Reuters đăng ngày 13.5, các chuyên gia phân tích quốc tế William Courtney, David Sedney, Kenneth Yalowitz và Stephen Young đều nhất trí đưa ra một nhận định rằng “mối tình Nga-Trung” này sẽ không hề dễ dàng và bền vững qua thử thách của thời gian.

Không cùng chí hướng?

Một trong những lý do khiến họ đưa ra nhận định như vậy là bởi trong khi Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, Nga lại đang phải chật vật tìm lại quá khứ huy hoàng của mình ngày xưa. Bởi vậy, các chuyên gia này cho rằng Nga không dễ gì chấp nhận một mối quan hệ đối tác “cửa dưới” với Trung Quốc, và Trung Quốc nhiều khả năng cũng không muốn coi Nga là “ông anh lớn” như Moscow trông đợi.

Trong khi đó, những siêu dự án vô cùng tốn kém mà hai nước vạch ra mới chỉ là những kế hoạch trên giấy, và Trung Quốc đang có những động thái “ép giá” khí đốt trong bối cảnh Nga đang đánh mất thị trường khí đốt ở châu Âu. Theo các chuyên gia của Reuters, Nga đã không còn kỳ vọng vào việc nguồn tiền của Trung Quốc sẽ thay thế được các thị trường phương Tây, dù Nga đang mất dần thị trường này bởi các lệnh cấm vận khắc nghiệt.

Lo sợ nạn “làm nhái” của Trung Quốc, từ lâu Nga đã rất lưỡng lự trong việc bán các công nghệ quân sự tiên tiến cho Trung Quốc. Với “mối tình” được thắt chặt gần đây, Moscow đã đồng ý bán hệ thống tên lửa phòng không tối tân nhất S-400 cho Trung Quốc, giúp quân đội Trung Quốc có được ưu thế phòng không gần như tuyệt đối so với các nước láng giềng.

img
Quân đội Trung Quốc tham gia duyệt binh ở Quảng trường Đỏ

Thế nhưng, xét về lâu dài, các chuyên gia trên cho rằng “cuộc tình Nga-Trung” sẽ gặp nhiều trắc trở. Nền kinh tế khó khăn cộng với các lệnh cấm vận của phương Tây sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng quan hệ bình đẳng của Nga với Trung Quốc, khi nền kinh tế Trung Quốc đang lớn gấp 4 lần Nga, và khoảng cách này ngày càng nới rộng ra.

Vấn đề biên giới, lãnh thổ cũng là một trong những trở ngại lớn đối với “cuộc tình” này. Từ lâu Bắc Kinh luôn cho rằng biên giới giữa mình với Nga được vẽ ra một cách “bất công” theo những hiệp ước “bất bình đẳng” từ thế kỷ 19 và trước đó, mặc dù giữa hai nước đã ký hiệp định phân định biên giới trên đất liền.

Tình hình dân cư tại biên giới cũng không hề có lợi cho Nga. Trên thực tế, tại khu vực Viễn Đông của Nga giáp biên giới với Trung Quốc, có hàng triệu người lao động Trung Quốc đang làm việc ở nước này, sau lưng họ là hàng trăm triệu người Hoa khác sinh sống ở biên giới Trung Quốc. Trong khi đó, dân số Nga tại khu vực biên giới này chỉ vỏn vẹn khoảng 6 triệu người.

Cũng theo các chuyên gia trên, Trung Quốc và Nga hiện đều đang phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”. Để thoát khỏi chiếc bẫy này, nền kinh tế của họ phải dựa nhiều hơn vào các cải tiến và nâng cao năng suất lao động, ít phụ thuộc hơn vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ.

Nếu một trong hai nước không vượt qua được chiếc bẫy này để giúp người lao động có mức thu nhập cao hơn, những bất ổn có thể xảy ra ở khu vực biên giới, nơi lao động hai nước thường xuyên qua lại, giao thương.

Về đối ngoại, cả Trung Quốc và Nga hiện nay đều đang có những vấn đề bất ổn với các nước láng giềng. Sau khi trải qua cuộc chiến ở Gruzia, giờ đây Nga đang đau đầu với cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang có những vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

img
Nhiều khả năng Trung Quốc không muốn coi Nga là "ông anh lớn" như Moscow trông đợi. Ảnh minh họa

Một số người cho rằng những vấn đề bất ổn trên có thể khiến Nga-Trung xích lại gần nhau hơn để đối phó với sức ép đến từ NATO và Mỹ, tuy nhiên các chuyên gia của Reuters cho rằng điều đó ẩn chứa nhiều nguy cơ lớn.

Theo đó, Bắc Kinh cảm thấy họ không có lợi ích gì khi tham gia vào cuộc xung đột Ukraine, khi hành động của phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine có thể tạo tiền lệ nguy hiểm cho các khu vực vẫn đang bất ổn của Trung Quốc, chẳng hạn như Tân Cương.

Ngược lại, Nga cũng có rất ít lợi ích ở biển Hoa Đông và Biển Đông, bởi vậy các chuyên gia của Reuters cho rằng nếu những khu vực này “có biến”, Nga sẽ không hết lòng ủng hộ Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, nếu Nga không thể tìm thấy các nguồn lực tăng trưởng kinh tế mới, họ sẽ đánh mất vị thế hiện nay của mình, trong khi Trung Quốc ngày càng vươn lên mạnh mẽ. Cùng với đó, những trở ngại trong “cuộc tình không cân xứng” sẽ ngày càng lớn hơn bởi những khác biệt trong chính sách và lịch sử của hai nước, khiến quan hệ Nga-Trung không thể bền chặt như vẻ bề ngoài của nó.

Trí Dũng (Theo Reuters)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem