Nga - Trung tìm kiếm một thế giới đa cực

Thứ tư, ngày 16/04/2014 07:06 AM (GMT+7)
Ngày 15.4, trước khi đáp máy bay xuống sân bay Nội Bài vào lúc 19 giờ 50 phút, bắt đầu chuyến thăm thăm chính thức Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov đã có chuyến thăm ngắn đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin.
Bình luận 0
Ai hưởng lợi?

Theo kế hoạch, Tổng thống Nga V.Putin sẽ thăm Trung Quốc vào tháng tới, chuyến đi được đánh giá là bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ Nga - Trung. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống Putin là sự kiện chính trị lớn của năm 2014 trong quan hệ Nga - Trung Quốc và kết quả của chuyến đi sẽ là một bước quan trọng hướng tới quan hệ đối tác song phương chặt chẽ hơn.

Người dân Ukraine tụ tập trước Văn phòng Thị trưởng thành phố Slaviansk ngày 14.4.
Người dân Ukraine tụ tập trước Văn phòng Thị trưởng thành phố Slaviansk ngày 14.4.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga không cho biết chi tiết nội dung chuyến thăm của ông Putin, song nhấn mạnh, hai nước này đang tìm cách tạo ra một thế giới đa cực “dân chủ hơn”, mà trong đó Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế đóng vai trò trung tâm trong sự cân bằng quyền lực mới.

Ông Lavrov nhấn mạnh: “Nga ủng hộ một trật tự thế giới đa trung tâm và dân chủ hơn dựa trên nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế và vai trò điều phối trung tâm của Liên Hợp Quốc”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm, ông Lavrov cho rằng, phần lớn các vấn đề quốc tế hiện nay, Nga và Trung Quốc có quan điểm khá tương đồng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đang buộc tội Nga và gia tăng trừng phạt Mátxcơva, thì Trung Quốc lại có những phát ngôn và hành động ôn hòa. Giới chuyên gia đã đưa ra những ngôn từ đầy tính hình ảnh khi cho rằng trật tự thế giới đang từ “nhất siêu đa cường” nay chuyển sang “nhất siêu đa cực” mà trong đó Nga được gắn với khái niệm “sự trở lại”, Mỹ thì bị cho là “đang già nua”, còn Trung Quốc là “người hưởng lợi”.

Nhiều chuyên gia cũng bình luận, trong bối cảnh chính trị thế giới hiện giờ, nếu Mỹ bị dính sâu vào những vùng nóng ở các khu vực khác thì tiến trình tái cân bằng cũng như trở lại châu Á của Mỹ bị chậm đi, hoặc có thể phải có những thay đổi chiến thuật. Điều đó có lợi cho Trung Quốc.

Hơn nữa, giới chuyên gia cũng nhận định, Trung Quốc sẽ có lợi nhiều nhất khi Mỹ và Nga căng thẳng như hiện nay. Lý do, khi Mỹ áp đặt các đòn trừng phạt kinh tế lên Nga, Mátxcơva bắt buộc phải có những thỏa hiệp với Trung Quốc để tiếp tục đứng vững về kinh tế. Kể cả việc Nga hoặc Mỹ tập trung nguồn lực vào Crimea và Ukraine, cũng sẽ tạo ra khoảng trống có lợi cho Trung Quốc.

Tháo ngòi nổ Ukraine

Ngày 15.4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoan nghênh những dấu hiệu cho thấy chính quyền tại Kiev sẵn sàng đối thoại với các phần tử ly khai ở miền Đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh, giải quyết thông qua thương lượng mọi vấn đề liên quan đến các nhu cầu hợp pháp của người dân ở khu vực Đông Nam Ukraine chắc chắn là một bước tiến đúng hướng dù muộn.

Trước những diễn biến phức tạp tại các thành phố miền Đông Ukraine, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ cũng đã điện đàm cho nhau, hối thúc đưa ra một giải pháp để tháo ngòi căng thẳng. Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin, trong cuộc điện đàm, đã lưu ý với Tổng thống Obama rằng những tin tức về việc Nga đang can thiệp vào Ukraine là “dựa trên những thông tin không chính xác”.

Thông báo của phía Nga khẳng định các cuộc biểu tình ở một số tỉnh của Ukraine là do chính quyền tại Kiev “không có thiện chí và không có khả năng trong việc tính tới lợi ích của Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine”.

Tổng thống Putin cũng hối thúc Tổng thống Obama sử dụng ảnh hưởng và khả năng của Mỹ để ngăn chặn việc sử dụng vũ lực và đổ máu tại Ukraine. Bộ trưởng Lavrov cũng đã cảnh báo Kiev không dùng vũ lực để đàn áp những phần tử ly khai ủng hộ Nga tại miền Đông Ukraine. Ông Lavrov tin rằng, hành động như vậy sẽ gây tổn hại đến cuộc đàm phán dự kiến tại Geneva ngày 17.4. Ông Lavrov nhấn mạnh, Kiev không thể “vừa điều xe tăng vừa tổ chức đàm phán”, và việc sử dụng vũ lực sẽ phá hoại cơ hội do cuộc đàm phán 4 bên tại Geneva mang lại.

Đến nay, chính quyền mới tại Kiev và các nước phương Tây không có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ Nga đưa quân đội của mình vào Crimea, hoặc để cho lực lượng quân đội Nga đóng tại đây có những hành động tấn công quân đội Ukraine đồn trú tại bán đảo Crimea hoặc tiếp tay cho lực lượng thân Nga chiếm quyền tại Crimea và đang tiến hành các hành động nhằm nhanh chóng sát nhập vào Nga với tư cách là một chủ thể.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam ngày 16.4, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov sẽ có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng. Bộ trưởng Lavrov sẽ chào xã giao Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Trước đó, ông có cuộc gặp ngắn với giới báo chí Việt Nam. Dự kiến, tại đây ông sẽ trả lời câu hỏi của các phóng viên, trong đó chủ đề về cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ được nêu ra.
Thúy Đăng


Quang Minh- Mai Dũng (Quang Minh- Mai Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem