Rổ thực phẩm của người Việt: Báo động việc ăn quá nhiều thịt lợn, Nhật, Úc ăn hải sản nhiều hơn

Trần Quang Thứ hai, ngày 22/06/2020 11:09 AM (GMT+7)
Tiếp chuyên đề về thay đổi cơ cấu dinh dưỡng bữa ăn trong rổ thực phẩm của người Việt, nhất là sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường ngày 13/6 tại Quốc hội, PV Dân Việt đã trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng và tất cả đều có chung nhận định: Người Việt đang ăn quá nhiều thịt lợn.
Bình luận 0
Ăn nhiều thịt gà, vịt, cá... để đủ dinh dưỡng - Ảnh 1.

Người dân mua thịt lợn tại một quầy thịt ở chợ dân sinh thuộc khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Thịt lợn hiện đang là thực phẩm chiếm tỷ lệ áp đảo trong giỏ tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân Việt Nam. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc tiêu dùng và phụ thuộc quá nhiều vào thịt lợn đang gây ra nhiều hệ lụy đang báo động về mất cân đối dinh dưỡng, cung cầu thị trường.

Báo động thói quen ăn quá nhiều thịt lợn

Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, thịt lợn chiếm tới 65 – 70% trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình, trong khi thịt gia cầm chỉ chiếm từ 15 – 20%, số còn lại là thịt bò và thủy hải sản.

Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Khi làm chính sách, chúng tôi đều muốn cân đối, hài hoà giữa các loại thực phẩm, nhưng do thói quen tiêu dùng, thịt lợn vẫn là thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ nhiều nhất nên có những biến động như dịch tả lợn châu Phi như vừa qua thì áp lực lên thị trường thịt lợn và ngành chăn nuôi là rất lớn”.

Dù các nhà chuyên môn, người đứng đầu ngành nông nghiệp, thị trường đang rất muốn thay đổi thói quen tiêu dùng thịt lợn của người dân nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng thì việc thay đổi này không thể một sớm, một chiều được mà cần phải có thời gian.

Ths.Bs. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông (Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế) cho hay: Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng một số sản phẩm nông nghiệp như thịt lợn, sữa giá lại cao hơn các nước công nghiệp. Một trong những nguyên nhân do cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp, việc lưu thông phân phối của ngành công thương. Đồng thời, thói quen tiêu dùng của người Việt đã làm chi tiêu cho ăn uống tăng lên, trong khi đó thu nhập của người dân thì thấp mà lại phải mua với giá cao như: giá thịt lợn, giá sữa,…

Theo ông Tiến, vì vậy, người Việt cần thay đổi thói quen tiêu dùng để thích ứng giá cả thị trường, cũng như thích ứng với túi tiền của mình để đỡ khó khăn hơn. So sánh về giá trị dinh dưỡng của một số loại thực phẩm, để người tiêu dùng có cách lựa chọn thực phẩm thay thế để việc chi tiêu hợp lý cho bữa ăn của gia đình.

Hiện nay, do nguồn cung thiếu hụt đã đẩy giá thịt lợn tăng lên rất cao, thậm chí cao gấp hơn 2 lần so với các loại thực phẩm khác như cá, trứng các loại, thịt gà, đậu đỗ,… "Người tiêu dùng có thể lựa chọn những thực phẩm thay thế có giá tiền thấp hơn như: cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng, nhưng giá trị dinh dưỡng cũng rất cao và tốt cho sức khỏe", ông Tiến khuyến cáo.

Chuyên gia dinh dưỡng: Giảm ăn thịt lợn, tăng ăn hải sản, thịt gà, bò

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Chuyên gia dinh dưỡng, Nguyên Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), bữa ăn truyền thống của người Việt Nam trước kia là cơm rau, cá tôm và đậu phụ, đậu đỗ...  Chỉ khi có dịp lễ, tết người dân mới ăn thịt gà.

Chuyên gia Nguyễn Thị Lâm cũng dẫn chứng, trong cuộc tổng điều tra dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia từ năm 1980 trở lại đây đã phát hiện ra một thực trạng rất đáng báo động về việc tiêu thụ thịt, nhất là việc tiêu dùng thịt lợn của người Việt Nam đang gia tăng cao. Đơn cử, trong cuộc tổng điều tra gần đây nhất cho thấy mỗi người dân của chúng ta đã ăn 85 gam thịt/ngày, trong khi đó cá , hải sản chỉ có trên 50garm/người/ngày.

"Thực tế, khẩu phần ăn của người Việt Nam qua các thời kỳ về mặt năng lượng không tăng nhưng biến thiên thì thịt tăng nhiều. Theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông về dinh dưỡng để người dân Việt Nam cần cân đối lại việc tiêu dùng các thực phẩm thịt, cá, đậu phụ, đỗ... nhằm góp phần phòng bệnh tật hiệu quả", bà Lâm chia sẻ.

Về mặt dinh dưỡng các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn đa dạng các thực phẩm, trong mỗi bữa ăn mọi người ăn càng đa dạng các loại thực phẩm thì càng tốt. BS.Nguyễn Thị Lâm cho rằng, trong các bữa ăn mỗi ngày chúng ta nên ăn từ 15-20 loại thực phẩm khác nhau, ăn mỗi thứ một ít sẽ đảm bảo giúp cho cơ thể đủ chất hơn.

Rổ thực phẩm của người Việt: Báo động việc ăn quá nhiều thịt lợn, Nhật, Úc ăn hải sản nhiều hơn - Ảnh 3.

Các chuyên gia khuyên người dân nên ăn hải sản nhiều hơn

Chuyên gia Nguyễn Thị Lâm khẳng định, hiện thịt gà và các loại thịt gia cầm cũng có những ưu điểm nhất định. Như thịt gà cũng là thức ăn cung cấp đạm giống như thịt lợn nhưng chất béo từ thịt gà, gia cầm lại tốt hơn loạt chất béo từ thịt lợn. Bởi, thịt gà có chứa nhiều omega 3 và ít cholesterol hơn thịt lợn, trong khi đó, các vi chất tốt cho sức khỏe có trong thịt gia cầm như sắt, kẽm, vitamin nhóm B...

"Trong 100gam thị lợn cho 18gam chất đạm song trong 100gam thịt gà cũng chứa 18gam chất đảm. Chính vì thế mà chúng ta không nhất thiết phải ăn nhiều thịt lợn mà nên cân đối 1 tuần ăn từ 1-2 bữa thịt lợn, còn lại chúng ta nên ăn nhiều các loại thịt gà, ngan, vịt, bò, cá... sẽ đảm bảo dinh dưỡng cho chúng ta hơn", bà Lâm phân tích thêm.

Dẫn chứng về thói quen ăn uống của người dân các nước phát triển, bà Lâm cho hay: Nhìn sang Nhật Bản chúng ta thấy người dân của họ ăn rất ít thịt, trung bình mỗi người bên nước bạn ăn 300gam cá, đậu phụ hơn 100 gam, thịt các loại có 63 gam. Hay tại Úc, người dân nước bạn ăn nhiều thịt bò nên da của mọi người luôn hồng hào, không bị thiếu máu, trong khi người dân ăn Việt Nam ăn nhiều thịt lợn vẫn bị thiếu máu và nhiều người còn bị mỡ máu.

Ăn nhiều thịt gà, vịt, cá... để đủ dinh dưỡng - Ảnh 2.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá gà thịt, gà cầm đã tăng lên dần. (Ảnh: Ông Đặng Quang Tiến chăm sóc đàn gà đồi đặc sản tại trại của gia đình ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

"Để thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân thì bên cạnh việc các cơ quan báo, đài, mạng xã hội... tích cực thông tin, truyền thông về dinh dưỡng của các loại thịt gà, bò, cá... thì các cơ quan liên quan như Bộ NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia... cần giảm cơ cấu chăn nuôi lợn, đồng thời tăng cơ cấu chăn nuôi gia cầm, cá... để đảm bảo cung cấp cân đối thực phẩm cho người dân".

(PGS-TS. Nguyễn Thị Lâm)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem