“Lơi việc nhà… sa đà việc bản”
Đó là câu nói vui của rất nhiều người thân các diễn viên văn nghệ bản, khi được hỏi về sự tham gia đóng góp công sức của họ với đội văn nghệ quần chúng của bản. Với cách lý giải đơn giản, anh Lò Văn Yêu ở bản Hìn, phường Chiềng An, TP.Sơn La, cho biết: “Làm diễn viên văn nghệ bản cũng khó mà cũng dễ, bởi văn nghệ bản không đòi hỏi nghệ thuật quá cao; trang bị quá tốn kém. Chỉ có điều nếu không yêu văn nghệ thì không làm văn nghệ bản được đâu bởi văn nghệ bản là “vác tù và hàng tổng”, nhiều khi đi làm về muộn, chưa kịp ăn cơm đã phải đi tham gia sinh hoạt, biểu diễn cho kịp giờ giấc của đội”.
Một tiết mục văn nghệ bản của đội văn nghệ xã Chiềng Cọ, TP.Sơn la trong lễ hội hoa ban 2014 do TP.Sơn La tổ chức. Kiều Thiện
Cũng theo anh Yêu thì văn nghệ bản ở Sơn La phát triển mạnh từ thập kỷ 1990 vừa qua. “Khi ấy ở tỉnh Sơn La này có hàng ngàn đội văn nghệ bản. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, bản kia có đội văn nghệ, chả nhẽ bản mình không có hay chất lượng kém hơn? Thế là bà con hô hào nhau lập đội văn nghệ chứ ngày ấy đã có kinh phí hỗ trợ, có quy định con người, công việc, trang thiết bị cụ thể như bây giờ đâu”. Ngày ấy có đội văn nghệ bản đông tới vài chục người, độ tuổi tham gia cũng rất linh động vì tiêu chí lựa chọn là ai hát hay, múa dẻo, biết thổi sáo, đọc tấu, biết diễn kịch... và muốn cống hiến với việc chung thì tham gia.
Ông Trần Ngọc Sự - tổ trưởng tổ 1, phường Quyết Thắng, TP.Sơn La, thật thà kể: Tôi cũng chỉ biết võ vẽ thổi sáo, hát hò và có tí chút kiến thức văn nghệ. Nhưng từ khi làm tổ trưởng chính quyền thì mặc nhiên thành đội trưởng danh dự của đội văn nghệ tổ dân phố. Vì muốn huy động mọi người tham gia tập luyện, muốn biểu diễn hay thì phải có thời gian kinh phí… mà dân đô thị thì không ổn định, dễ biến động nên việc thiếu diễn viên là chuyện thường. Thế là tổ trưởng phải đi đôn đốc, mời gọi người tham gia, kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ chút đỉnh. “Các tiểu phẩm văn nghệ của đội chúng tôi thường được các giải cao khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan của phường, của thành phố. Những tiểu phẩm ấy hầu hết do tôi sáng tác kiêm đạo diễn vì đội chẳng lấy đâu ra kinh phí để thuê người viết kịch bản, dàn dựng. Có những kịch bản tôi trăn trở cả nửa tháng trời nhưng có ai tính công cho đâu” - ông Sự bảo vậy.
Cần hỗ trợ nhiều hơn
Tại bản Hìn, phường Chiềng An (TP.Sơn La), anh Lò Văn Tiêng- Bí thư chi bộ, vừa là đội trưởng đội văn nghệ vừa là diễn viên, nhạc công có khả năng thổi nhiều loại pí (sáo). Đội đã xây dựng được 6 tiết mục múa, 4 tiết mục khắp (hát dân gian) Thái, 2 tiết mục tấu nhạc cụ, mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Có 2 diễn viên của đội là Lò Văn Tiêng và Lò Thanh Hòa đã được Đại sứ quán Thái Lan mời sang biểu diễn tại Thái Lan.
Cho đến hôm nay, hoạt động của các đội văn nghệ bản của TP.Sơn La đã đi vào nền nếp với những quyết định thành lập, danh sách diễn viên, hàng năm được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/đội và có những thiết chế văn hóa cơ bản: Nhà văn hóa bản để luyện tập, biểu diễn; có tăng âm, loa đài và một số nhạc cụ, trang phục cần thiết. Bên cạnh đó, một số huyện, xã, bản còn có những chính sách hỗ trợ riêng như tính ngày công lao động xã hội, hỗ trợ tiền, thóc, hỗ trợ quỹ đất để sản xuất gây quỹ cho đội…
Ông Quàng Văn Lâm- Phó Chủ tịch UBND TP.Sơn La cho biết: Văn nghệ bản là một trong những mũi nhọn tuyên truyền ở cơ sở rất hữu hiệu. Không chỉ là một địa chỉ vui chơi, giải trí của người dân, văn nghệ bản đã đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phòng, chống mại dâm, ma túy, HIV; cổ vũ xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới; đảm bảo trật tự giao thông, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...
Từ năm 1992 đến nay, tỉnh Sơn La đã có trên 4.000 lượt diễn viên không chuyên, nghệ nhân các dân tộc thiểu số tham gia khoảng 80 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, ngày hội do với thành tích được tặng 223 bằng khen, 45 Huy chương Vàng, 42 Huy chương Bạc, 10 giải đặc biệt, 71 giải A toàn đoàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.