Tác phẩm “Hồn thiêng đất Việt” là một con rùa đá do nghệ nhân Vũ Thế Thái (46 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) điêu khắc.
Với chiều dài lên đến 3m, chiều rộng 2,5m và cao khoảng 1,5m, “con rùa được tạo hình bằng đá tự nhiên lớn nhất Việt Nam” vẫn đang được nghệ nhân Vũ Thế Thái (46 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đặt tại xưởng gần nhà. Đây là công trình đã được vinh danh trong Sách kỷ lục Việt Nam, và đã được chúng tôi giới thiệu trong các bài viết vào tháng 3/2019.
Theo chia sẻ của ông Thái khi ấy, lúc ông mới bắt đầu khởi công làm tác phẩm này, đã có một đơn vị kinh doanh du lịch ở Đồng Nai trả 600 triệu đồng để mua. Nhưng họ yêu cầu ông Thái phải cẩu tảng đá tới tận nơi rồi mới tiếp tục chế tác. Thấy vậy, ông Thái thẳng thừng từ chối và tiếp tục cùng các cộng sự hoàn thành tác phẩm ngay tại xưởng.
Rùa đá này nặng 20 tấn, có đầu ngẩng lên cao và ngậm gươm báu. Rùa có chiều dài khoảng 3m, chiều rộng 2,5m và cao khoảng 1,5m.
Tính đến những ngày cuối tháng 7 vừa qua, ông Thái vẫn chưa bán tác phẩm rùa đá nói trên cho ai. “Gần đây có nhiều người hỏi mà tôi nói “không”, do mình cũng không biết nói giá thế nào. Họ cứ kêu để họ thỉnh về để ở các khu du lịch. Hôm trước thì có một chị ở trên Đà Lạt ngỏ ý muốn đưa rùa đá về trưng…”, ông Thái chia sẻ.
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Thái cho biết, vào tháng 6/2019, có một đơn vị truyền thông đã liên hệ với ông để đưa tác phẩm này ra bán đấu giá rồi trích một phần làm từ thiện. Tuy nhiên, ông Thái từ chối hợp tác.
“Chẳng thà mình bán đắt, bán rẻ sao đó thì tự mình làm còn ý nghĩa hơn. Nhiều khi cứ nói làm từ thiện đó, nhưng thực tế không biết thế nào. Lỡ may bán xong rồi mà làm từ thiện không đến nơi đến chốn thì mình còn mang tội thêm”, ông Thái nói lý do không hợp tác với đơn vị trung gian để bán đấu giá tác phẩm.
Ngoài ra, có một nghệ sĩ nổi tiếng ở Bình Thuận đã ngỏ ý mua tác phẩm rùa đá “Hồn thiêng đất Việt” của ông Thái để trưng bày trong bảo tàng điện ảnh. Được biết, người nghệ sĩ này đã trả 1,5 tỉ đồng nhưng ông Thái cũng chưa bán.
Tảng đá ban đầu được ông mua và vận chuyển bằng xe cẩu từ Lâm Đồng về Đồng Nai. Sau hơn 3 tháng điêu khắc cùng 5 người phụ giúp, tác phẩm thành hình rất đẹp mắt và có hồn.
“Một phần do tôi bận nên chưa quyết định được việc bán hay giữ, với lại tôi cũng chưa muốn xa nó. Tôi không định giá cụ thể cho tác phẩm này. Như bây giờ 1,5 tỉ đồng chưa biết là cao hay thấp, nhưng tôi nghĩ tự nhiên gặp được người phù hợp, vừa nhìn thấy đã muốn bán ngay thì tôi sẵn sàng dù giá có cao hay thấp hơn mức hiện tại”, ông Thái chia sẻ.
Trước đó, cơ duyên đã giúp ông Thái nhìn thấy một tảng đá tự nhiên nặng 20 tấn, có hình hài cơ bản của một con rùa ở thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Không bỏ lỡ cơ hội, ông mua ngay và thuê xe cẩu lên Lâm Đồng vận chuyển tảng đá này về Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với số tiền vài chục triệu đồng, sau đó ông dành hơn 3 tháng miệt mài điêu khắc cùng 5 người phụ giúp.
Khi hoàn thành tác phẩm, nghệ nhân Vũ Thế Thái đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings xác lập kỷ lục với nội dung “Con rùa được tạo hình bằng đá tự nhiên lớn nhất Việt Nam”.
“Nếu như với nhiều người, tảng đá kia chỉ bỏ đi thì với tôi không phải vậy. Vừa nhìn tôi đã thấy ngay giá trị của nó khi bề mặt có những đặc điểm rất giống mai rùa. Mua về, mình chỉ cần điêu khắc thêm cho rõ nét hơn, đẹp hơn và làm phần đầu nữa thôi”, ông Thái chia sẻ.
“Ngay lần đầu nhìn thấy tảng đá là tôi đã đặt tên ngay cho tác phẩm là “Hồn thiêng đất Việt”, lấy cảm hứng từ Sự tích Hồ Gươm khi vua Lê Lợi trả kiếm cho rùa thần”, nghệ nhân Vũ Thế Thái chia sẻ thêm.
Giải thích rõ hơn về tác phẩm “Hồn thiêng đất Việt”, ông Thái cho biết: Mai rùa của cụ rùa ở Hồ Gươm không giống các loại rùa núi hay rùa biển. Mai cụ rùa Hồ Gươm không nhô cao mà chỉ dẹt, bè ra - đúng như những gì thể hiện sẵn trên tảng đá mà ông mua về điêu khắc.
Ông Thái cho biết thêm, tảng đá tự nhiên này có bề mặt màu xám nâu gọi là lớp da do nhô trên mặt đất lâu ngày, còn thịt bên trong có màu xanh đẹp mắt.
Ngoài con rùa đá nói trên, ông Vũ Thế Thái cũng là một trong số ít nghệ nhân điêu khắc đá của Việt Nam có nhiều tác tác phẩm nổi tiếng, như tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại Tổng Cục An ninh, tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà văn Sơn Nam.Ngoài ra, nghệ nhân Vũ Thế Thái còn được nhắc đến bằng nhiều tác phẩm mang tính tâm linh, đang được đặt tại nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, như Đức Phật Quan Thế Âm cao 22m tại chùa Viên Giác Thiện Tự hay tác phẩm Hòa Thượng Thích Thanh Từ…
Tảng đá nặng 20 tấn được điêu khắc thành hình ảnh cụ rùa Hồ Gươm đẹp mắt và rất có hồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.