Rủi ro từ dự án BOT: Chưa có giải pháp “chữa trị tận gốc”
Rủi ro từ dự án BOT: Chưa có giải pháp “chữa trị tận gốc”
T.A
Thứ sáu, ngày 27/11/2020 06:37 AM (GMT+7)
Đến nay, nhiều dự án BOT đang hoạt động khai thác trước nguy cơ vỡ phương án tài chính do doanh thu thu phí thấp xa so với phương án tài chính ban đầu, đẩy nhà đầu tư vào tình thế "nợ nần" từ các khoản vay tín dụng đầu tư dự án.
Được biết, trên cả nước có 49 trong tổng số 60 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, đang có doanh thu thu phí thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này từ việc chưa tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng cho đến xuất hiện nhiều tuyến đường ngang, song song gia tăng vé tháng, quý, năm dẫn đến lưu lượng xe qua trạm giảm so với tính toán trước đó. Cũng có những dự án doanh thu giảm do tình trạng trốn trạm vẫn tái diễn.
Do chưa có giải pháp "chữa trị tận gốc", đã có một số doanh nghiệp đầu tư BOT bị ngân hàng chuyển sang nhóm nợ xấu không thể tiếp cận thêm các nguồn tín dụng mới để duy trì và tái đầu tư nên sẽ đẩy họ đến nguy cơ phá sản. Ước tính, nợ xấu từ các dự án BOT lên tới nhiều chục nghìn tỷ đồng.
Để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà đầu tư, Bộ GTVT đã đề xuất hàng loạt các phương án chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư BOT như: Tăng giá phí theo hợp đồng đã được ký kết hay như Nhà nước bù khoản hụt thu cho các dự án...
Cùng với đó, Bộ GTVT đang dự thảo thông tư quy định về khung lợi nhuận cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ do Bộ GTVT quản lý.
Cụ thể, đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư tính toán trong giai đoạn lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không vượt quá 15,2%. Tỷ suất lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư tối đa không vượt quá 10,6%.
Khi các "rào cản" được gỡ bỏ, các dự án PPP tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, tiềm năng thị trường hạ tầng của Việt Nam sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, nhiều tập đoàn tư nhân trong nước ngày càng mạnh lên về tiềm lực tài chính, công nghệ, xây dựng, kỹ năng quản lý và vận hành các dự án quy mô lớn. Đây còn là điều kiện tạo cơ sở kỳ vọng một thế hệ nhà đầu tư PPP mới trong và ngoài nước chuyên nghiệp và có năng lực tốt hơn để tham gia các dự án PPP thế hệ mới tại Việt Nam trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.