Hàng chục năm qua, hàng trăm hộ dân của 3 bản ở xã Na Mèo (huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa) mong mỏi có được một cây cầu nối qua sông Luồng, để thuận cho việc đi lại. Tuy nhiên, đến bây giờ, mong điều đó vẫn chỉ là giấc mơ. Và hàng ngày, người dân nơi đây vẫn phải liều mình “đánh cược” mạng sống của mình trên những chiếc mảng để qua sông.
Vượt sông Luồng bằng mảng
Ở thượng nguồn sông Luồng, có đoạn chảy qua xã Na Mèo (huyện Quan Sơn), chia cắt các bản Sa Ná, bản Son và Ché Lầu một bên. Mỗi ngày, người dân các bản nêu trên muốn về trung tâm xã đều phải qua khúc sông này bằng những chiếc mảng trên dòng nước chảy xiết.
Tại bờ sông Luồng, bản Hiềng (xã Na Mèo), một chiếc mảng do ông Lò Văn Trọng (60 tuổi, ở bản Hiềng) dùng sức bám vào sợi dây cáp được kéo căng cột ở hai đầu bờ kéo mảng chở người qua sông. Để lên được chiếc mảng ấy, người dân phải vất vả đi xuống sông, qua những tảng đá nhỏ. Nếu ai đi xe máy ít nhất cũng mất chừng 10 phút đồng hồ để đưa chiếc xe đang lầy lội dưới sông lên.
Mỗi lần qua sông, ông Trọng chỉ kéo được vài người và cùng lắm là hai chiếc xe máy. Tất thảy, từ người lớn đến trẻ em đều không ai có áo phao cứu sinh. Và cứ như vậy, mỗi ngày ông Trọng phải kéo chiếc mảng qua lại khúc sông này tới hàng trăm lần.
Người dân các bản Sa Ná, Son và Ché Lầu hằng ngày vẫn qua sông Luồng bằng bè mảng. Ảnh: Hồng Đức
“Đã nhiều năm rồi, tôi làm nghề đưa đón người qua sông ở đây. Những hôm nước lũ kéo về không thể nào đi được phải chờ nước rút xuống. Bình thường nước sông cạn thì tôi nối hai cái bè mảng lại với nhau thành cây cầu phao cho bà con đi lại. Chỉ cần một trận mưa đầu nguồn từ bên Lào thôi, nước sông sẽ dâng lên và chảy xiết lắm. Lúc đó, buộc phải tháo mảng ra, rồi lại kéo bằng sức của mình dựa vào sợi dây cáp níu hai bên bờ để đưa bà con qua sông. Công việc chỉ có vậy, nhưng nếu bị gián đoạn thì bà con không đi được, các cháu học sinh cũng đành nghỉ ở nhà” - ông Trọng bộc bạch.
Một điều thực tế, hiện tại người dân muốn vượt khúc sông này, không riêng gì 3 bản Sa Ná, Son và Ché Lầu của xã Na Mèo mà còn có cả bà con của các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (ở xã Sơn Thủy). Bởi lẽ, con đường từ trung tâm xã Sơn Thủy nối lên hai bản Mùa Xuân và Xía Nọi cũng bị chia cắt thường xuyên do sạt lở.
Bà Lương Thị Nhân (ở bản Hiềng, xã Na Mèo), cho hay: “Nhiều hôm nước sông dâng cao, chảy xiết lắm nên không ai qua sông được. Bà con bản Hiềng chúng tôi hằng ngày phải qua sông để làm ruộng ở phía bên kia. Bình quân mỗi năm, có tới cả chục lần nước dâng cao không qua sông được. Muốn qua sông thì phải chờ nước xuống, rồi nhờ ông Trọng đưa sang”.
Trước đây, nhiều già làng ở bản Hiềng cũng đã bỏ tiền túi đóng bè mảng làm cầu phao cho bà con đi lại. Tuy nhiên, sau đó không ai kham nổi việc này nên ông Trọng đứng ra nhận làm “người vận chuyển”. Để có một chiếc cầu làm bằng 2 bè mảng, ông Trọng đã dùng nhiều cây luồng và pha thành tấm đan rồi cột chặt lại với nhau. Hoàn thành một cây cầu như thế ông Trọng phải bỏ tiền túi khoảng 3-4 triệu đồng. Sau đó, khi người dân qua sông, người ít thì 2.000, người nhiều 5.000 đồng đưa cho ông Trọng coi như hỗ trợ ông.
“Một năm phải sửa chữa, làm mới 4 cái mảng như vậy. Cả ngày tôi chỉ quanh quẩn với cái mảng này thôi, không làm được việc gì khác. Nếu mình không làm, thì bà con dân bản không đi được. Chúng tôi mong mỏi Nhà nước xây cầu cho bà con lắm lắm. Có cái cầu qua đoạn sông này thì bà con dân bản đỡ khổ nhiều lắm” - ông Trọng đề nghị.
Đã có dự án, nhưng vẫn là cầu... giấy!
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Bá Chiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quan Sơn, cho biết: Quyết định số 1132/QĐ-UBND ngày 30.3.2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường từ bản Hiềng đi bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) có tổng giá trị gần 28 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do UBND huyện Quan Sơn làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, tuyến đường này có chiều dài hơn 5 km, đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông nôn cấp B và hệ thống đập tràn liên hợp cầu…
Cũng tại quyết định nói trên, dự án đường giao thông từ bản Hiềng đi Sa Ná không quá 3 năm (từ năm 2016-2018). Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thực hiện triển khai, khiến người dân sinh sống hai bờ sông Luồng lo lắng khi mỗi độ mưa bão về.
Chiếc cầu qua sông Luồng, nối các bản Sa Ná, Son, Ché Lầu với trung tâm xã vẫn đang nằm trên giấy.
Ảnh: Hồng Đức
Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Hiện nay đường giao thông từ bản Hiềng đi Sa Ná của xã Na Mèo đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư theo Nghị quyết 30a. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thi công được, do chưa có kinh phí xây dựng. “Hiện tại, UBND huyện Quan Sơn vẫn đang chờ UBND tỉnh phân bổ vốn về huyện để đầu tư xây dựng cầu và đường giao thông từ bản Hiềng đi Sa Ná” - ông Đạt cho biết thêm.
Hiện nay, có khoảng 250 hộ dân của các bản Sa Ná, bản Son, Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi với khoảng 1.200 khẩu. Trong đó có hàng chục học sinh đang theo học ở Trường THCS Na Mèo và THPT Quan Sơn 2 vẫn phải đi qua sông Luồng bằng bè mảng tới trường. Chính vì vậy, mỗi lần qua sông, ông Trọng chỉ kéo được vài người và cùng lắm là hai chiếc xe máy. Tất thảy, từ người lớn đến trẻ em, đều không ai có áo phao cứu sinh. Và cứ như vậy, mỗi ngày ông Trọng phải kéo chiếc mảng qua lại khúc sông này tới hàng trăm lần. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.