Một nơi có tên Sông Thanh ví như "đảo hoang" ở rừng Quảng Nam, có 53 loài thú hoang dã, 49 loài cây quý hiếm

Thứ hai, ngày 08/04/2024 05:39 AM (GMT+7)
Sẽ thiếu sót nếu như thông tin “bỏ túi” của bạn về các điểm đến ở Quảng Nam, không có tên gọi Sông Thanh.
Bình luận 0

Nằm vị trí phía tây, dọc dài theo địa phận hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, Vườn quốc gia Sông Thanh được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và sinh vật cảnh đa dạng, phong phú mang nhiều điều mới mẻ, độc lạ cho hành trình du lịch sinh thái vùng cao.

“Đảo hoang” giữa rừng

Chuyến ca nô vừa cập bến, trước mặt là một hòn đảo hoang sơ, phía sau sừng sững bìa rừng dựng đứng. Điểm dừng chân tại trạm Khe Ru hút mắt du khách ngay khi vừa đặt chân đến.

Ông Zơrâm Đa - Trưởng thôn Aliêng (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, những ngôi nhà truyền thống tại điểm dừng chân Khe Ru được dựng cách đây vài năm, trở thành nơi sinh hoạt của lực lượng giữ rừng. 

Ở vị thế rất đẹp, điểm dừng chân này tạo sự thích thú cho du khách mỗi khi ngược núi khám phá rừng nguyên sinh giữa lòng hồ.

Vườn quốc gia Sông Thanh có tổng diện tích tự nhiên gần 77.000ha, gồm nhiều phân khu chức năng, thuộc địa phận 12 xã của huyện Phước Sơn và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam.

Trong đó, có 58.220ha nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng. Nơi đây có hệ sinh thái rừng vô cùng đa dạng với 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Ngoài ra, hệ động vật hoang dã phong phú với 53 loài thú hoang dã, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống quý hiếm…

Một nơi có tên Sông Thanh ví như "đảo hoang" ở rừng Quảng Nam, có 53 loài thú hoang dã, 49 loài cây quý hiếm- Ảnh 1.

Điểm dừng chân Khe Ru từ xa nhìn vào như một “đảo hoang” giữa rừng ở Vườn quốc gia Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Hơn 30 năm gắn bó với rừng nguyên sinh Sông Thanh này, Zơrâm Đa nói, ông không nhớ đã bao nhiêu lần cùng dân làng đặt chân đến cánh rừng già này.

Nhiều năm trước, khi Sông Thanh chưa được thành lập thành khu bảo tồn thiên nhiên, sau này nâng cấp thành vườn quốc gia, cánh rừng phía bên kia dãy núi Aliêng là nơi săn bắt, hái lượm của đồng bào địa phương. Dưới những khe suối trong rừng sâu, họ cùng nhau nơm cá, bắt ốc và hái rau rừng… cải thiện cuộc sống.

“Lúc đó, người dân đã thấy cảnh vật ở Sông Thanh rất đẹp nên làm các trại dừng chân, nghỉ ngơi dọc đường. Nhiều thác nước, khe suối, vách đá đẹp được chọn làm nơi trải nghiệm, rất thú vị” - Zơrâm Đa chia sẻ.

Thường xuyên ngược núi, gắn bó với rừng suốt thời gian dài, cộng đồng Cơ Tu ở các vùng lân cận khu vực Sông Thanh trở thành những người giữ rừng thực thụ. 

Nhiều vụ phá rừng được người dân phát hiện, báo cáo chính quyền địa phương xử lý giúp bảo tồn được nhiều cây gỗ lớn, trở thành di sản quý hiếm, còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Sau này, khi Vườn quốc gia Sông Thanh được thành lập, công tác quản lý, bảo vệ rừng càng được chú trọng, kiểm soát nghiêm ngặt. 

Các điểm dừng chân dọc theo tầng thác, đỉnh đồi, khe suối… dần được hình thành, góp vào mục tiêu phát triển du lịch sinh thái giữa rừng Trường Sơn.

Một nơi có tên Sông Thanh ví như "đảo hoang" ở rừng Quảng Nam, có 53 loài thú hoang dã, 49 loài cây quý hiếm- Ảnh 2.

Vào sâu trong rừng Sông Thanh (tỉnh Quảng Nam), nhiều con suối đẹp mắt với bãi đá hoang sơ.

Ở Sông Thanh, điều thú vị hơn cả, ngoài môi trường sinh thái tự nhiên phong phú, nơi này còn được ghi nhận có hệ động vật hoang dã quý hiếm đa dạng, thuộc nhóm nguy cấp IB như: mang Trường Sơn, voọc chà vá, tê tê, heo rừng… 

Chính hệ sinh thái đa dạng đó giúp Vườn quốc gia Sông Thanh xây dựng đề án phát triển du lịch, tạo điểm tham quan, trải nghiệm và khám phá rừng nguyên sinh đầy mê hoặc trong thời gian tới.

Hướng mở du lịch xanh

Ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Sông Thanh cho hay, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kết nối tour tuyến. 

Đây được xem là cơ hội để Vườn quốc gia Sông Thanh đẩy mạnh kết nối phát triển du lịch sinh thái theo hướng mở, kết hợp với các giá trị văn hóa cộng đồng vùng cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách trải nghiệm bằng sản vật đặc trưng núi rừng.

Theo ông Hồng, với tiềm năng sẵn có của vùng, Vườn quốc gia Sông Thanh hoàn toàn có thể phát triển các loại hình du lịch sinh thái, từ hành trình đi bộ xuyên rừng, cắm trại qua đêm, tham quan ngắm nhìn thác nước, cho đến hoạt động trải nghiệm du lịch mạo hiểm, chèo thuyền trên sông, sinh tồn trong rừng tự nhiên…

Trong đó, đơn vị sẽ chú trọng khai thác mở các tour du lịch khám phá từ Khe Ru đến thác Ba Tầng, nhằm hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn.

Không nằm ngoài mục tiêu đánh giá hiện trạng rừng, thông qua các tour du lịch trải nghiệm, du khách sẽ được chứng kiến việc tháo dỡ bẫy thú của lực lượng bảo vệ rừng và xử lý các tình huống bảo vệ rừng.

“Trong đề án phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Sông Thanh, chúng tôi đặt mục tiêu hướng đến đưa vẻ đẹp sinh cảnh tiềm năng của Sông Thanh trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách thích khám phá, chiêm ngưỡng khu rừng nguyên sinh, sông suối và trải nghiệm sự đa dạng của sinh vật trong môi trường hoang sơ, hùng vĩ. 

Tất cả sẽ là kỷ niệm thú vị và ấn tượng với du khách khi đặt chân đến Vườn quốc gia Sông Thanh này” - ông Hồng nói.

Đăng Nguyên (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem