ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (ảnh quochoi.vn).
Ba nhóm đối tượng tác động
Chiều nay (12.11), Quốc hội thảo luận tại tổ để cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Mở đầu phần phát biểu ĐB Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nói, ông quan ngại khi thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Ông cho biết đã được tiếp cận với dự thảo Luật này từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tuy nhiên dự luật lúc đó đã không được cho vào chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh.
“Một dự thảo luật làm phải có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Về mục tiêu tôi đồng ý nhưng phương pháp thực hiện thấy có vấn đề”, ĐB Kiên nói.
Nói về đối tượng tác động của Luật, ĐB Kiên cho rằng có ba nhóm gồm: Nhóm sản xuất, nhóm phân phối lưu thông và nhóm người tiêu dùng.
Nói về nhóm sản xuất, ĐB Kiên cho rằng, với lập luận như Ban soạn thảo thì ông không hiểu trên thế giới có bao nhiêu nước ra luật kiểu như chúng ta. “Sản xuất mà gây ngộ độc cho người uống thì đã có Luật vệ sinh an toàn thực phẩm và một số luật khác đã giao cho Bộ Công Thương chế tài trong lĩnh vực này. Giữa dự thảo Luật này và các luật hiện hành chế tài trong khâu sản xuất thế nào”, ĐB Kiên nói.
Nói về vấn đề tiêu thụ, theo ĐB Kiên hiện nay đưa những quy định về hạn chế tiêu thụ rượu, bia như hạn chế quảng cáo, hạn chế kinh doanh trên mạng internet là đi ngược lại xu thế tiến bộ của thời đại. “Thủ tướng đã nói áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có thương mại điện tử, trong khi ở dưới một Bộ (Bộ Y tế chủ trì soạn thảo dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia) thuộc Chính phủ lại ra văn bản trình Quốc hội hạn chế thương mại thông qua điện tử, tôi không thấy sự thống nhất trong tư tưởng chỉ đạo và kết quả hoạt động”, ĐB Kiên nói và đặt vấn đề thêm, việc quảng cáo đã có Luật quảng cáo, dự án Luật này lại bó hẹp hơn, vậy doanh nghiệp đi theo Luật nào khi thực hiện.
Về nhóm người tiêu thụ, theo ĐB Kiên, uống rượu bia do thể trạng mỗi người, có người uống một lon bia đã say, có người uống nhiều lon bia không sao. Còn như đặt vấn đề uống rượu, bia sẽ nguy hiểm khi tham gia giao thông, việc này đã có quy định trong Luật an toàn giao thông, trong đó quy định nồng độ rõ ràng, có chế tài kèm theo để xử lý khi vi phạm.
ĐBQH Đặng Thuần Phong (ảnh quochoi.vn).
Rượu, bia là sản vật lạm dụng mới có hại
ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Dự luật này gồm 7 chương, 38 điều, tuy không đồ sộ nhưng đụng đến tất cả các lĩnh vực cả kinh tế, văn hóa, xã hội, truyền thống, lối sống của dân tộc.
Nói về tiếp cận kinh nghiệm quốc tế, ĐB Đặng Thuần Phong cho biết, trên thế giới các nước cũng có làm luật liên quan đến vấn đề rượu, bia nhưng tên gọi của họ không như của chúng ta mà chủ yếu họ thiên về kiểm soát đồ uống có cồn.
“Rượu, bia là sản vật lạm dụng mới có hại, ví dụ rượu nho, uống 1-2 ly có lợi cho tim mạch. Riêng quan điểm Thủ tướng thì ông đề nghị tên gọi là Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Một tờ trình dài 21 trang, nhiều ĐB nói như bài hịch tiêu diệt ngành rượu, bia. Nghĩa là dựa vào vấn đề sức khỏe con người rồi cho là rượu, bia có hại hết để ra dự Luật này như vậy là chưa công bằng. Nhưng bây giờ thay đổi tên gọi thì phải thay đổi phạm vi điều chỉnh thì dự Luật phải làm lại”, ĐB Đặng Thuần Phong nói.
Đề cập tới quy định cấm bán rượu bia trên internet, ĐB Phong đặt vấn đề, nếu cấm thì cấm loại rượu nào, loại rượu sản xuất lậu, không rõ nguồn gốc thì đương nhiên cấm triệt để. “Các nước họ có Hiệp hội rượu vang nếu không bán trên internet thì họ bán kiểu gì. Rượu Kim Sơn ở Ninh Bình, rượu Bầu Đá ở Bình Định hoặc một số địa phương sản xuất rượu có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn, họ đã được phép sản xuất kinh doanh tại sao không cho bán trên mạng internet. Với những hãng sản xuất sản rượu, bia của Việt Nam muốn bán ra nước ngoài mà không cho bán trên internet thì họ làm thế nào. Đưa ra quy định bó hẹp như vậy sẽ ảnh hưởng chung tới yêu cầu phát triển chung của đất nước”, ĐB Phong nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị dự luật cần xây dựng được bước đi hợp lý, có lộ trình để hướng tới “uống rượu có văn hoá, văn minh”.
Ông Hiển lưu ý dự luật cần tính đến yếu tố quan hệ kinh tế, nhất là những hiệp định kinh tế mới ký, ví dụ mỗi lần định nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu vang là một số nước có ý kiến.
“Chắc chắn khi chúng ta bàn về dự luật này, một số tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao sẽ có ý kiến”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc kỹ, có đánh giá tác động khách quan để dự luật khả thi khi đi vào cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.